Kỷ niệm 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Bản hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước

Ngày 17-2, nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) và đền thờ các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 (xã Thanh Thủy, Vị Xuyên).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉnh vòng hoa trước khi dâng lên trước Tượng đài Tổ quốc ghi công tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: VĂN NGHỊ
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉnh vòng hoa trước khi dâng lên trước Tượng đài Tổ quốc ghi công tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: VĂN NGHỊ

Cùng dâng hoa, thắp hương tưởng niệm còn có Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Dịp này, đoàn đã trồng cây lưu niệm tại đền thờ các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên hiện là nơi an nghỉ của 1.854 Anh hùng liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể. Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, nơi hơn 40 năm về trước lớp lớp cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội địa phương đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, khắc sâu lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Thắng lợi của quân và dân ta vô cùng to lớn nhưng tổn thất, mất mát cũng rất đỗi đau thương. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều miền quê trên cả nước đã nằm lại mảnh đất Vị Xuyên và tới thời điểm này vẫn còn khoảng 2.000 liệt sĩ chưa tìm được mộ.

Cùng ngày, lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã diễn ra tại Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn (TP Móng Cái, Quảng Ninh). Nhân dịp này, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã gửi vòng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Pò Hèn.

Trong lời tri ân tại lễ tưởng niệm, Đại tá Lê Xuân Men, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, nêu rõ: Nơi đây, tròn 45 năm trước, ngày 17-2-1979 đã diễn ra sự kiện lịch sử thấm đẫm máu đào của cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) và cán bộ Lâm trường Hải Sơn, nhân viên Thương nghiệp Móng Cái. Với quyết tâm bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn và quân dân địa phương đã nêu cao tinh thần chiến đấu ngoan cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trong trận chiến đấu đó, 45 cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn, 1 nhân viên thương nghiệp Pò Hèn và 27 công nhân Lâm trường Hải Sơn đã anh dũng hy sinh. Từ năm 1979 đến năm 1981, trên mảnh đất Pò Hèn có tổng số 86 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc. “Các đồng chí, các anh, các chị đã viết tiếp bản hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước nồng nàn, dám đương đầu với quân thù để hiến dâng tuổi thanh xuân và cả sự sống của mình cho đất nước. Máu đào của các đồng chí, các anh, các chị đã tô thắm lá cờ Tổ quốc. Các đồng chí, các anh, các chị mãi mãi là tấm gương sáng ngời về lòng quả cảm, đức hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc”, Đại tá Lê Xuân Men bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục