
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày nhà thơ Tố Hữu mất, Trang VHVN Báo SGGP xin giới thiệu một số bức ảnh về những ngày tháng ông được cùng làm việc bên cạnh Bác Hồ và cuộc sống đời thường của ông cùng người bạn đời chung thủy cũng là đồng chí đã đi cùng ông suốt đời. |
Ra trận

Click vào và nhấn phím F11 để xem chi tiết.
...Các nhà văn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, là những người đầu tiên vào Nam tiếp sức cùng các nhà văn sẵn có trong đó: Giang Nam, Thanh Hải... Một số họa sĩ trẻ ở miền Bắc như Lê Lam, Thái Hà, cũng xung phong vào chia lửa cùng số họa sĩ: Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu.
Họ là những người dám xông pha trên các chiến trường, ngày đêm lăn lộn với đồng bào, chịu đựng thiếu thốn, bom đạn ác liệt. Chị Dương Thị Xuân Quý đã dũng cảm hy sinh ở Quảng Nam trong một trận càn quét của địch. Những giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn và nghệ sĩ ấy trước khi đi đã chấp nhận khổ luyện, tập đeo đá đến 30 kilôgam, leo đồi dốc, trước khi lên đường, và hầu hết đều đi đến đích. Nhà văn Anh Đức vào tận Kiên Giang, viết được tác phẩm Hòn Đất có tiếng vang lớn, miêu tả rất cảm động cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở mảnh đất hẻo lánh này.
Về tỉnh Cà Mau, anh lại viết thư trao đổi với nhà văn Nguyễn Tuân, thư đi thư lại của họ được tập hợp lại thành tập Bức thư Cà Mau đọc rất dễ vào lòng người, giúp ta hiểu được nỗi gian truân ác liệt và khí phách của quân dân vùng cực Nam của Tổ quốc. Nguyễn Văn Bổng dám xông xáo, vào sống ở Sài Gòn, viết được một số tác phẩm nói được lên cuộc sống và phong trào đấu tranh của đồng bào vùng tạm chiến.
Các họa sĩ Lê Lam, Thái Hà, Huỳnh Phương Đông đi đến đâu, đều vẽ tranh và triển lãm ở đó. Nhiều tranh ký họa bằng bút sắt, màu nước được gửi ra triển lãm ở Hà Nội, phản ảnh sinh động những trận đánh và những chiến sĩ, những bà mẹ miền Nam... Bác Hồ từng đến xem, rất khen ngợi những bức tranh chân thật và cảm động ấy. Các đội văn công gọn, nhẹ, phục vụ chiến sĩ, đồng bào đạt hiệu quả bất ngờ, đến nỗi có đại đội xin được mang tên Tô Lan Phương, một nữ ca sĩ nổi tiếng.
Những bài hát lúc đó của các nhạc sĩ Hoàng Việt, Xuân Hồng, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Tý, Thuận Yến, Nguyễn Văn Thương... thật dễ vào lòng người, là công cụ làm công tác tư tưởng rất lợi hại. Phương Tây có câu nói “Khi đại bác gầm thì họa mi thôi hót”. Nhưng ở Việt Nam thì không phải thế, “Tiếng hát át tiếng bom”. Thật hào hùng. Các đội văn công thật sự là một binh chủng, có sức mạnh hàng trung đoàn. Kể cũng đặc biệt, hiếm có nơi nào như nước ta huy động được văn nghệ sĩ ra trận “dễ” như vậy. Đó là do lòng yêu nước và khí phách anh hùng, bản chất dân tộc và tài năng của họ.
Các đoàn làm phim ở miền Bắc đã quay nhiều phim thời sự, tài liệu rất chân thật. Và đã sáng tác một số phim truyện có giá trị, xúc động lòng người và có tiếng vang ra thế giới, như: Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Sau này điều kiện thuận lợi hơn, ngay ở miền Nam có các tổ làm phim của Mai Lộc, Khương Mễ, Phạm Khắc, đặc biệt là Hồng Sến (tác giả bộ phim Cánh đồng hoang), một nghệ sĩ tài hoa. Những thước phim mặt trận đều do các anh quay, và đến nay vẫn là vô giá.
Năm 1963, đúng là tôi đã rút ruột để viết bài Miền Nam đó!
Nếu tâm sự cùng ta, bạn hỏi:
Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói
Như nỗi niềm nhức nhối tim gan
Trong lòng ta, hai tiếng: miền Nam!
…
Có phải hỡi miền Nam anh dũng
Khi ta đứng lên cầm khẩu súng
Ta vì ta, ba chục triệu người
Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!
Ôi, Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi
Hãy kiêu hãnh: trên tuyến đầu chống Mỹ
Có miền Nam anh dũng tuyệt vời
Tháng 10 năm 1965, Bộ Chính trị phái tôi vào khu Bốn để góp sức với anh em. Tôi vào xin ý kiến Bác trước khi đi. Bác bảo ngay:
– Chú đã tính làm gì chưa?
Tôi thưa:
– Khu Bốn là một vùng nghèo đói, lại bị bom đạn thì tình thế rất khó khăn, các đảng bộ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong cuộc chiến tranh phá hoại này, cháu nghĩ là có động viên được nhân dân hăng hái chiến đấu và sản xuất thì tình hình mới bền vững.
– Làm thế nào động viên được đồng bào? - Bác hỏi lại.
Tôi liền thưa:
– Dân mình thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cho nên cần trước hết chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh...
Bác cười:
– Chú biết làm thế nào cho Đảng vững mạnh không?
– Dạ, phải giáo dục thật tốt các cán bộ, đảng viên.
– Ai giáo dục? - Bác hỏi lại.
Tôi cảm thấy lúng túng, nghĩ rằng chắc Bác có ý kiến lớn, bèn thưa:
– Xin Bác chỉ thị cho bọn cháu làm tốt.
Đến đây Bác nói ngay:
– Không nên hỏi Bác, mà nên hỏi dân mới đúng. Ai được dân tín nhiệm, khen giỏi cả hai mặt: sản xuất và chiến đấu, thì đó là đảng viên tốt, ai chưa được dân tin, thì cần giáo dục thêm. Những đồng chí được dân yêu mến, tin cậy nhất mới xứng đáng là người lãnh đạo của Đảng bộ. Trái lại, ai bị dân khinh ghét thì không thể lãnh đạo được, cần thay đổi ngay.
Nhiều chú bây giờ xa dân quá, những điều Bác vừa nói là kinh nghiệm xưa nay, nhưng không mấy chú thực hiện. Thậm chí, cứ để mãi trong Đảng những đảng viên hư hỏng, lười biếng, hèn nhát, bị dân oán giận, thì còn lãnh đạo được ai? Đó là ý kiến của Bác, chú có làm được không?
Từ đáy lòng, tôi cảm ơn Bác đã dạy bảo và quyết tâm thực hiện kỳ được. Thế là vào Quảng Bình, tôi đưa ngay chỉ thị của Bác ra bàn. Mời các đồng chí tỉnh ủy, cả các đồng chí bí thư, thường vụ, xuống một số làng xã, làm ngay. Một tuần sau, anh em trở về tỉnh, báo cáo kết quả, thật bất ngờ. Chi bộ nào, kể cả bí thư, cũng được bà con thành thật nói rõ: ai giỏi, ai không giỏi về sản xuất và chiến đấu. Thậm chí có nơi, bí thư bỏ chạy trốn khi địch bắn phá, để mặc dân tự lo liệu, và cả làng đều hoang mang, lo sợ. Chi bộ liền họp ngay, cảnh cáo những đảng viên hèn nhát, bầu bí thư và chi ủy mới, gồm toàn những đồng chí được bà con khen ngợi nhất.
Sau này, mỗi khi nghe báo cáo về tình hình mất dân chủ trong Đảng và trong nhân dân, Bác thường bảo: “Các chú diễn giảng hai tiếng “dân chủ” sao mà rắc rối, dài dòng thế? Dân chủ thật ra có nghĩa là “Để cho dân được mở miệng”. Liệu có làm được, có dám làm thế không?

Tố Hữu (phải) trên đường vào chiến trường miền Nam.
Từ giữa năm 1965 đến 1968, tôi đã nhiều lần vào vùng “cán xoong” Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, nơi liên tục ngày đêm bị máy bay Mỹ ném bom vô cùng ác liệt. Hầu hết tất cả các cây cầu đều bị phá hủy, nhiều trọng điểm giao thông suốt ngày đêm bom dội: Hố bom chồng lên hố bom. Mặc dù vậy, đêm đêm những đoàn quân và đoàn xe vẫn không ngừng tuôn ra mặt trận.
Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã dũng cảm bảo đảm giao thông với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Thời ấy, trên những chặng đường tuyến lửa ác liệt, thường thấy leo lét những ngọn đèn của các o dân quân đứng gác và những ngọn đèn ở các nút, các trọng điểm giao thông. Bài hát Ngọn đèn đứng gác phổ thơ của Chính Hữu và bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật đã khắc họa rất sinh động và sâu sắc những ngọn đèn ấy.
Một hôm ở Quảng Bình, tôi yêu cầu tỉnh ủy giới thiệu cho tôi một số người tiêu biểu của phong trào chiến đấu. Anh Thoan, Bí thư tỉnh ủy và anh Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, vốn nắm vững cơ sở, liền đề nghị tôi gặp mẹ Suốt, một bà chèo đò rất dũng cảm, hàng ngày đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ dưới bom đạn địch.
Gan chi gan rứa, mẹ nờ!
Mẹ rằng: cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi, còn một chút tài đò đưa...
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò!
Tôi nói vui với bà: “Mẹ giỏi thiệt đó, nhưng sao không để bọn con gái chèo có hơn không?”. Bà liền bốp ngay: “Chú nói nghe không được. Bọn con gái chèo giỏi hơn tui thiệt, nhưng bọn hắn còn biết bắn súng. Để nó chèo thì mình mất cây súng à? Chú không nghe bọn con gái ở cái làng Ngư Thủy, họ bắn cả súng lớn, chìm mấy chiếc tàu to của Mỹ sao?”. Ôi, một bà như mẹ Suốt gan góc, khôn ngoan như thế, mà sau khi được “tuyên dương Anh hùng”, vẫn không chịu buông tay chèo. Cho đến một hôm, mẹ đã ngã xuống, hy sinh ngay trên bến quê hương Bảo Ninh, để lại cho con cháu muôn đời một tấm gương yêu nước và dũng cảm phi thường!...
Trích hồi ký của Tố Hữu
“Người giao liên vĩnh cửu”

Thế là Phạm Tiến Duật cũng đã được ôm trong lòng cuốn sách mơ ước của đời mình vào những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Tuyển tập Phạm Tiến Duật phần Thơ và Trường ca. Và những người yêu thơ anh cũng đã được cầm trong tay cuốn sách chứa trong đó tất cả những gì đã làm nên tên tuổi thơ Phạm Tiến Duật. Số người may mắn được cầm trong tay cuốn sách đó thật nhỏ bé so với số người đang mong muốn có quyển sách này. Bởi vì, những người bạn của anh, phải chạy đua với thời gian, chạy đua với thần chết để kịp làm xong cuốn sách , và họ chỉ kịp in cấp tốc 200 bản đặc biệt, để tặng cho người thân và bạn bè. Và bây giờ, cuốn sách đó nằm đây, tươi mới để bắt đầu cuộc hành trình của đời sách khi cuộc đời của nhà thơ vừa khép lại.
Tôi thật ngạc nhiên là tại sao một cuốn sách được làm trong một bối cảnh đặc biệt đến như vậy, trong một thời gian thần tốc đến như vậy mà lại hiện hữu trong tay tôi đẹp đẽ, trang trọng đến thế. Từ cách chọn bìa sách giản đơn, một chiếc lá xanh ngắt như màu xanh của rừng đại ngàn hay màu của lá ngụy trang vượt Trường Sơn năm ấy. Trong đó hiện lên một chân dung người lính trẻ Phạm Tiến Duật, chỉ chừng như mười tám đôi mươi, vào cái thuở mà “đường ra trận mùa này đẹp lắm”.
Lật trang bìa cuối, sẽ là một Trường Sơn đỏ ối màu lửa, màu của chiến tranh, màu đã nhuốm vào thơ anh suốt thời áo lính. Có thể thấy, cuốn sách đã được làm một cách cẩn trọng từ trang đầu đến trang cuối cùng, hầu như không có một hạt sạn ấn loát nào làm cản trở mạch thơ dồi dào của Phạm Tiến Duật. Để thấy rằng, khi người ta làm sách không phải vì lợi nhuận, không chạy theo những thị hiếu của đời sống thị trường, thì mới đúng là sự trân trọng với cả người viết và người đọc.
Và một lần nữa, Phạm Tiến Duật lại thể hiện trách nhiệm của mình với cuộc đời, bằng cách tự tay mình viết thêm những dòng chú thích, dưới cuối mỗi bài thơ, có thể là hoàn cảnh ra đời của bài thơ hoặc tâm trạng tác giả khi làm bài thơ đó. Điều ấy cũng thật đáng suy nghĩ khi rất nhiều nhà thơ trẻ bây giờ đang đánh đố người đọc bằng vũ điệu bất thường của những ngôn từ.
Không phải dày dặn, bề thế như nhiều cuốn khác nhưng với người yêu thơ anh thì nó chứa đựng không chỉ gia tài thơ của một con người mà hơn thế, còn là tinh thần của một thời đại. Người đọc thơ Phạm Tiến Duật rất nhiều, từ những người lính trẻ năm xưa nay mái đầu đã bạc, cho đến những lứa tuổi chỉ biết đến chiến tranh , biết đến Trường Sơn qua thơ và những trang văn. Với tuyển tập này, người đọc lớn tuổi sẽ gặp lại một thời máu lửa, còn sống động hơn cả ký ức. Còn với độc giả trẻ, thì tuyển tập này lại là một cái nhìn đầy đủ hơn về chiến tranh.
Khép tập thơ lại rồi mà nhiều người đọc vẫn còn ngạc nhiên, không hiểu sức mạnh tinh thần nào đã khiến vóc dáng chải chuốt hơi có phần ẻo lả thư sinh của anh vượt qua được cuộc chiến tranh tàn khốc như vậy. Và không những thế, những đứa con tinh thần của ông còn trở thành điểm tựa cho lớp lớp thanh niên ra trận. Không kể đến Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Tiểu đội xe không kính… là những bài thơ đã có mặt trong sách giáo khoa, giáo trình của nhiều cấp học, tuyển tập còn có nhiều bài thơ khác, có thể đã được in rải rác ở đâu đó, cũng có thể lần đầu tiên được đọc. Nhưng phải đặt tất cả hơn 130 bài thơ ấy và thêm phần trường ca trong tuyển tập này, mới thấy hết chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật, mới thấy hết cái khốc liệt của chiến tranh.
Sau này, anh vẫn làm thơ về người lính, về chiến tranh dù phần tài năng rực rỡ nhất của anh nằm chính ở những bài thơ đầu tiên. Cái chất lính, cái chất lạc quan, hồn hậu yêu đời cuối cùng vẫn tỏa sáng, trong bài thơ gần đây nhất của anh, được làm trước khi mắc bệnh hiểm nghèo, Thông điệp hồng cho tất cả dương gian, dù ở bài thơ này đã mang một dự cảm về trước - sau, còn - mất. Và tôi thích bài thơ Người giao liên vĩnh cửu của nhà thơ Trần Ninh Hồ in ở cuối tuyển tập này, những câu thơ thật giản dị nhưng lại đúng chân dung của nhà thơ mà chúng ta từng biết: “Tôi đi dọc Trường Sơn và tìm Phạm Tiến Duật - Trạm giao liên nào cũng bảo Duật vừa qua - Gặp cánh lái xe giữa lửa khói mịt mù đường tuyến - Cũng bảo nhanh nhanh chút thôi sẽ gặp Duật ngay mà…”.
Minh Duy