* Triển lãm 101 khoảnh khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình
Đó là tuyến đường huyết mạch nối liền từ ngã ba Cò Nòi (Sơn La), qua đèo Pha Đin đến khi vào chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 57 năm. Trên tuyến đường này, hàng vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến ngày đêm túc trực mở đường, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường. Vào thời điểm đó, quân Pháp ngày đêm bắn phá ác liệt, nhằm cắt đứt đường tiếp tế từ hậu phương ra mặt trận của ta. Thế nhưng, tất cả vẫn không thể ngăn được ý chí, lòng dũng cảm của những bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ.
Cửa ngõ vào chiến trường
Vào năm 1953, đường 41 (nay là quốc lộ 6) là đường cơ giới duy nhất lên Tây Bắc. Con đường này đi giữa núi rừng hiểm trở, vượt qua nhiều núi cao, suối sâu, lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn bị sụt lở. Từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ gần 100 km, không có đường ô tô, chỉ có đường cho người đi bộ và ngựa thồ, nhưng do ít đi lại nên có đoạn mất cả vệt đường. Đường số 13 từ Yên Bái qua bến phà Tạ Khoa (nay đã xây dựng cầu) sang Sơn La gặp đường 41 ở Cò Nòi cũng chỉ ngựa thồ và người đi bộ đi được. Trong chiến dịch Tây Bắc (1952), quân và dân vùng Tây Bắc mới mở rộng được một số đoạn của con đường này cho ô tô.
Chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng và Chính phủ đã phát động một “chiến dịch cầu đường”, huy động hàng chục vạn dân công cùng bộ đội công binh, thanh niên xung phong mở mới và sửa chữa các con đường từ Việt Bắc xuống đồng bằng Khu 3, Khu 4 và lên Tây Bắc. Hàng ngàn đồng bào các dân tộc Tây Bắc sát cánh cùng bộ đội và dân công miền xuôi trên các con đường ra mặt trận.
Đường số 13 từ Yên Bái đến Cò Nòi thường xuyên có trên 20.000 dân công, khối lượng đất đá đào đắp lên tới 870.000m³. Để sửa chữa và mở rộng con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công đã chuyển từ các lòng suối lên mặt đường 18.000m³ đá, chặt và chuyển từ rừng xa về 92.000m³ gỗ để chống lầy và bắc 90 cầu lớn, nhỏ...
Với quyết tâm cao, lực lượng lớn, chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã hoàn thành sửa chữa và mở rộng các con đường số 41, đường số 13 và đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, tạo nên những trục chính của tuyến vận tải phục vụ chiến dịch, bảo đảm cho xe vận tải và xe kéo pháo có thể vào tới vùng phụ cận Điện Biên Phủ.
Theo hồi ức của Trung tướng Trần Quyết, lúc bấy giờ là Giám đốc Công an khu Tây Bắc kiêm Trưởng ban Bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng ngày, hàng giờ địch đánh phá rất ác liệt nhằm cắt đứt đường tiếp tế của ta từ hậu phương ra mặt trận. Đặc biệt, ở ngã ba Cò Nòi, hàng ngày cứ 5 phút máy bay địch lại ném bom dữ dội. Còn ở các nơi xung yếu như cầu, phà, đèo, dốc ở các tuyến quốc lộ, ngoài việc ném bom, địch còn sử dụng cả bom nổ chậm, bom bướm, bom lù để ngăn chặn bộ đội hành quân và dân công hỏa tuyến.
Ngày đó, ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là giao điểm đường 13 từ Việt Bắc sang và đường 41. Đây được xem là “cửa ngõ” vào chiến trường Điện Biên Phủ với lực lượng quân chủ lực của ta từ Việt Bắc theo đường 13 sang, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ Khu 3, Khu 4 lên... Vì vậy, khu vực Cò Nòi đã trở thành “túi bom” của quân Pháp. Chúng đánh phá ác liệt suốt ngày đêm, có ngày ném đến trên 300 quả bom các loại...
Bất chấp mọi hiểm nguy, đội viên thanh niên xung phong các đại đội 293, 300, 403, 408 (thuộc Đoàn thanh niên xung phong Trung ương) đã kiên cường bám trụ ngày đêm. Được bộ đội công binh huấn luyện, các tổ phá bom đã dũng cảm lăn bom nổ chậm xuống vực sâu, phá những quả bom nằm sâu trên mặt đường... mở thông đường cho quân ta vào chiến trường.
Cuộc họp đầu tiên và 3 lần dời vị trí Sở Chỉ huy chiến dịch
Từ Sơn La lên, qua Tuần Giáo khoảng 15km, rẽ trái, men theo con suối đi sâu vào vào xã Chiềng Sinh khoảng 3km đến Bản Nôm, tiếp tục đi bộ qua cánh đồng, lội qua một con suối, đi tiếp thêm một đoạn ruộng nữa sẽ đến hang Thẩm Púa. Đây chính là địa điểm đặt Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Quân ủy và cũng là nơi dừng chân đầu tiên của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 7-12-1953 đến 17-1-1954.
Sau khi xuất phát từ Việt Bắc, vào tới chiến trường, ngày 14-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch tại hang Thẩm Púa. Cuộc họp này đã đưa ra 2 phương án tác chiến là “đánh nhanh, thắng nhanh” và “đánh chắc, thắng chắc”. Với dự định sẽ thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, các đơn vị được giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với thời điểm nổ súng là ngày 20-1-1954... Hiện nay, ngoài cửa hang Thẩm Púa có tấm bia ghi nhận đây là nơi đầu tiên Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dừng chân.
Ngày 18-1-1954, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dời lên một cánh rừng ở bản Nà Tầu (nay thuộc huyện Điện Biên), cách hang Thẩm Púa khoảng 50km và chỉ còn cách Điện Biên Phủ khoảng 40km. Tại đây, vì thấy pháo chưa kịp kéo vào trận địa, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi lại 5 ngày, tức là sẽ nổ súng tấn công Điện Biên Phủ vào ngày 25-1-1954. Tuy nhiên trước 1 ngày nổ súng, 1 chiến sĩ của ta không may bị địch bắt và địch biết được thông tin ta sẽ tấn công Điện Biên Phủ vào ngày 25-1. Đây là diễn biến đầu tiên ngoài dự kiến, vì vậy Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi thời gian nổ súng lại 24 giờ, tức sẽ nổ súng vào đêm 26-1.
Tuy nhiên, sau nhiều đêm trăn trở, cân nhắc các phương án tác chiến, phân tích tình hình ta và địch, trong ngày 26-1-1954, tại Nà Tấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận. Sau khi thảo luận với cố vấn Trung Quốc và các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Tổng tư lệnh đã ra quyết định được xem là “khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Đó là chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”; hoãn cuộc tấn công; bộ đội lùi về vị trí tập kết; kéo pháo về; chuẩn bị lại chiến trường... Toàn bộ các cánh quân của ta đã triệt để chấp hành mệnh lệnh đó!
Ngày 31-1-1954, Sở Chỉ huy chiến dịch chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng (cũng thuộc huyện Điện Biên). Đây là khu vực thuộc rặng núi cao phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Ở đây, với ống nhòm có thể quan sát được toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ cũng như khu vực lân cận. Sở Chỉ huy chiến dịch đóng tại Mường Phăng cho tới khi kết thúc chiến dịch. Những cuộc họp có tính quyết định trong quá trình tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều diễn ra ở Mường Phăng, kể cả quyết định mở đợt tấn công đầu tiên vào ngày 13-3-1954.
Nếu tính từ cuộc họp đầu tiên bàn về cách đánh Điện Biên Phủ của Bộ Chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa ngày 14-1 đến ngày chúng ta chính thức tấn công 13-3-1954, có tổng cộng 58 ngày. Và tính từ 13-3 đến 7-5-1954, có tổng cộng 55 ngày đêm quân ta chiến đấu từ đợt tấn công đầu tiên vào Him Lam, Độc Lập cho đến khi quân Pháp đầu hàng hoàn toàn. Tất cả là 113 ngày đêm.
Như vậy, với những quyết định khác nhau, nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng của chiến dịch, chúng ta đã có 58 ngày đêm chuẩn bị, điều chỉnh mọi phương án cụ thể, để tiếp đó có 55 ngày đêm tấn công không ngừng nghỉ, buộc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp được coi là mạnh nhất Đông Dương, “bất khả chiến bại” lúc bấy giờ phải đầu hàng hoàn toàn. Một chiến thắng đã làm “chấn động địa cầu” lúc bấy giờ!
TRẦN LƯU