Kỷ niệm 67 năm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 – 23-11-2007) - Xả thân cứu nước, gương sáng để đời

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ giữa đêm 22 rạng ngày 23-11 cho đến ngày 31-12-1940, cách đây 67 năm. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất kể từ lúc giặc Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến năm 1940.

Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã đi vào lịch sử với nhiều địa danh, những tên tuổi anh hùng và lần đầu tiên xuất hiện cờ đỏ sao vàng năm cánh (trước trụ sở của Ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho tại đình Long Hưng ở Chợ Lớn và một số tỉnh khác) cũng như lần đầu tiên trong tài liệu, truyền đơn xuất hiện tên gọi: “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Trên địa bàn thành phố, mặc dù ở nội thành, kế hoạch bị lộ, địch đã bắt đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Bí thư Thành ủy, được phân công đi gặp các cơ sở Đảng trong các trại lính, trong đó có trại Ô Ma, và tiếp đó bắt đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa, nhưng ở Gia Định – Chợ Lớn, nhân dân và nghĩa quân vẫn nổi dậy tiến công địch rất quyết liệt.

Trong đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, nhân dân các xã ở các huyện Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức, Trung Quận, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước đã nổi dậy đánh trống mỏ, phèng la, thùng thiếc… vang dội, kéo ra đường tuần hành thị uy, hô vang khẩu hiệu, rải truyền đơn, kêu gọi tề, lính đầu hàng, chặt cây cản đường, phá cầu, cắt dây điện thoại, chiếm đốt nhà việc, cổ vũ các đội quân khởi nghĩa và uy hiếp tinh thần địch.

Đội quân khởi nghĩa gồm các thanh niên nam nữ tự trang bị giáo mác, dao, rựa, búa, phảng, cuốc, xẻng, xà beng, tầm vông vạt nhọn, dây trói… tiến công vào các bót địch. Nhiều nơi lính hoảng sợ, bỏ súng trốn chạy. Ta lấy súng trang bị cho nghĩa quân.

Ngày 1-12-1940, điện của Toàn quyền Đông Dương Decoux ghi rõ: “Cần dùng tối đa các biện pháp và bóp nghẹt không thương tiếc bọn phiến loạn”.

Tuân theo sự chỉ đạo của Decoux, thống đốc Nam Kỳ đã ra lệnh thiết quân luật; huy động hải, lục, không quân, toàn bộ cảnh sát, mật vụ, lính khố xanh, lính làng… dùng cả xe tăng, tàu chiến, máy bay đàn áp.

Chúng đã cho đốt làng, đốt rừng, đưa quân ruồng bố, bắn giết, bắt bớ giam cầm, chà đi xát lại suốt tháng 12-1940 đến đầu năm 1941. Nghĩa quân ngày càng gặp thêm nhiều khó khăn, phải rút lên Truông Mít (Thủ Dầu Một) và Bình Hòa – Bình Thành nằm trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố lực lượng chờ thời cơ mới.

Ngoài số người bị bắt, bắn giết tại chỗ, chúng còn bắt nhiều người đưa ra tòa án binh xử. Theo tài liệu của địch, tính đến ngày 31-12-1940, ở các tỉnh có phong trào khởi nghĩa, gần 6.000 người đã bị bắt và bị giết. Riêng ở tỉnh Chợ Lớn, địch đã bắt 396 người.

Ngày 10-3-1941 riêng ở Đức Hòa, tòa án binh địch đã xử bắn 29 người. Chúng đã đánh chết đồng chí Tạ Uyên trong nhà tù. Chúng xử tử cả những người đã bị bắt trước đó như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai…

Ngoài ra, còn hàng ngàn người bị giam tại Khám lớn Sài Gòn, Kho cảng Khánh Hội, Nhà thương Chợ Quán, Nhà giam Nhà Bè, Phú Mỹ (giam tù phụ nữ), đày đi Côn Đảo… Trung bình mỗi ngày có 20 người chết do bị đánh đập và giam đói.

Trung ương Đảng nhận thấy cuộc khởi nghĩa chưa có đủ điều kiện khách quan chủ quan, đã cố ngăn lại nhưng không kịp. Khi được tin cuộc khởi nghĩa đã nổ ra thì Trung ương đã ra thông báo khẩn cấp, nêu nhiệm vụ của Đảng bộ Trung, Bắc Kỳ là phải lập tức tổ chức những cuộc hưởng ứng gây thêm thanh thế cho quân khởi nghĩa và phân chia lực lượng địch, không để chúng tập trung đàn áp phong trào nổi dậy ở Nam Kỳ. Nhưng các nơi đã hưởng ứng rất yếu ớt.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại nhưng đã có tiếng vang lớn, chẳng những trong nước mà còn làm nức lòng cả những chiến sĩ cách mạng ở Pháp. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng Cộng sản Pháp đã gửi đến Đảng Cộng sản Đông Dương một bức thư, trong đó có đoạn: “…Chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decoux, Beaudouin, Pétain… Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng đó, đặc biệt chúng tôi nghiêng mình trước những anh chị em ruột thịt anh hùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5-1941 phân tích ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn – Nam Kỳ – Đô Lương diễn ra trong hơn 3 tháng ở ba miền Trung Nam Bắc, đã cho rằng: “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương”.

Ngày 14-4-1948, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam bộ, nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa đối với lịch sử cách mạng Việt Nam. Tinh thần cảm tử cho dân tộc quyết sinh của các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa đã góp phần hun đúc lòng dũng cảm, chí kiên cường cho Đảng ta, cho cả dân tộc ta để giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng 8-1945, trong cuộc kháng chiến dưới mưa bom bão đạn 30 năm trời không nghỉ, để đánh bại hết giặc Pháp đến giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập cho dân tộc và cả cho đến ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước.

Các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không chịu sống quỳ, đã đứng lên xả thân cứu nước, mãi mãi là những tấm gương sáng cho chúng ta hôm nay và các thế hệ nối tiếp mai sau. 

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục