Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2010), vừa qua tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo”. Báo SGGP xin trích đăng tham luận của một số nhà khoa học, chính trị về những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh với Tổ quốc và nhân dân.
Không ngừng nâng cao phẩm chất Đảng
(Trích tham luận của PGS-TS Phạm Hồng Chương, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh)
…Đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ quan tâm tới tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn mà còn rất chú ý đến “tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng” mà trước hết là các vấn đề nhằm không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng ta - vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong sự nghiệp đổi mới.
Không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên và khẳng định “sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta là một tất yếu khách quan” và đó “không phải và cũng không thể là sự áp đặt chủ quan ý chí của Đảng đối với lịch sử” mà là “sự giao phó lịch sử thông qua sự sàng lọc nghiêm khắc”, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ Đảng ta phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo chính trị duy nhất đối với xã hội, một tất yếu khách quan, một sự giao phó lịch sử, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân.
Để xứng đáng như vậy, đồng chí cho rằng, Đảng phải hết sức coi trọng và đặt lên trước hết vấn đề soạn thảo chiến lược và sách lược của Đảng, đáp ứng đúng yêu cầu cách mạng trong từng thời kỳ, để định hướng cho xã hội tiến lên. Do vậy, tầm nhìn xa trông rộng, khả năng bắt mạch đúng nhu cầu hiện tại của cuộc sống và dự đoán có căn cứ khoa học sự vận động trong tương lai là những phẩm chất hàng đầu mà Đảng phải có.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng càng phải nâng cao các phẩm chất đó lên một trình độ mới. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, phải luôn “tổng kết sự thành công và thiếu sót” nhằm chỉ ra “bước đi và nội dung của công cuộc đổi mới sắp tới”. Đồng chí chỉ rõ, sau khi hoạch định được đường lối chiến lược, sách lược và đã thể chế hóa các quan điểm về kế hoạch và chính sách lớn trên các lĩnh vực đối nội và đối ngoại, Đảng phải tập trung vào công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các chủ trương, chính sách và thông qua đó uốn nắn lệch lạc, bổ sung và hoàn chỉnh các chủ trương chính sách của Đảng.
Những quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh về nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng là một cống hiến quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc để chúng ta tiếp nối thắng lợi sự nghiệp mà đồng chí đã góp phần khởi xướng.
Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế
(Trích tham luận của PGS Lê Mậu Hãn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn)
…Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1975 - 1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trải qua nhiều cương vị khác nhau. Hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh được thể hiện nổi bật trên các cương vị được đảm nhiệm dù đã nhiều lần thay đổi, kể cả trên các cương vị trong Ban Chấp hành Trung ương.
Nhờ nắm bắt được thực tiễn khách quan, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đề xuất với Trung ương về chủ trương và bước đi trong cải tạo xã hội và xây dựng kinh tế, không nên vội vàng rập khuôn, cải tạo để phát triển tiến lên chứ không để lại hậu quả trong sản xuất, đời sống của dân và đại đoàn kết dân tộc.
Cuối năm 1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở lại làm Bí thư Thành ủy TPHCM. Trên cương vị mới, đặc biệt vào thời kỳ đất nước đang lâm vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng về kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã ngẫm suy, tổng kết thực tiễn, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện công cuộc đổi mới. Trước hết là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo động lực để phát triển kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh được coi là một trong những người có công lớn trong việc tìm tòi con đường đổi mới để phát triển nước ta. Đổi mới là sự nghiệp của toàn dân, toàn Đảng, từ đổi mới từng việc, từng phần, tiến đến đổi mới toàn diện: đổi mới về tư duy trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới về tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công lớn - có thể nói có công đầu trong việc kiên trì tìm tòi con đường đổi mới ở nước ta.
Đổi mới hoạt động công đoàn
(Trích tham luận của PGS-TS Dương Văn Sao, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn)
Khi đất nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng không có công cuộc đổi mới và sự chuyển mình nào của cả dân tộc mà không phải trải qua những chồng chềnh và sự trả giá. Chính hoàn cảnh phức tạp và còn lắm chông gai là hòn đá thử vàng đối với nghị lực và lòng tin của mỗi người, đặc biệt của giai cấp công nhân - giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng. Chúng ta tự hào là trong bối cảnh đó, đại đa số đoàn viên công đoàn và những người lao động tiên tiến vẫn giữ được bản chất cách mạng, truyền thống lao động cần cù, tinh thần chịu đựng gian khổ để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc...”.
…Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn phải bắt đầu ngay từ cơ sở, bởi cơ sở chính là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, là nơi chức năng của công đoàn được thực hiện đầy đủ và sinh động, nơi tác động hàng ngày đến người lao động. Công đoàn cơ sở là tế bào của tổ chức công đoàn. Công đoàn cơ sở có mạnh thì hệ thống tổ chức công đoàn mới mạnh.
Do vậy đồng chí khẳng định biện pháp quan trọng có tính đột phá để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn là phải phá bỏ cơ chế làm việc quan liêu, hành chính trong các cấp công đoàn. Cán bộ công đoàn phải bám sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của họ.
Xuất phát từ quan điểm đổi mới chức năng, nội dung, phương hướng hoạt động công đoàn, với cương vị là Chủ tịch Tổng công đoàn khóa IV, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo thành lập ban công đoàn cơ sở ở Tổng Công đoàn và yêu cầu các cấp công đoàn phải thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để chỉ đạo, giúp đỡ, hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động, đồng thời để nắm tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động từ đó có cơ sở đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương chính sách nhằm nâng cao hơn đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động và để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ công đoàn…
KHÁNH NGUYỄN (ghi)
Thông tin liên quan:
>> Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo