Học ngành xây dựng bên Nga, về nước anh vác ba lô đi từ công trình này đến công trình khác. Về hưu, anh mới có dịp mua cho mình mảnh đất nhỏ ở ngoại thành để cất nhà.
Hơn 30 năm công tác, trước khi về hưu, anh là phó ban quản lý một dự án lớn, nhưng ngôi nhà của anh khiến nhiều người ngạc nhiên. Không phải là một biệt thự nguy nga như mọi người tưởng mà là một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ, xung quanh trồng cây ăn trái, rau xanh, ao sen… Chưa hết, bên hiên nhà, ngay nơi thường tiếp khách, anh kê một bộ bàn ghế làm bằng gỗ thô kệch. Anh kể, bộ bàn ghế này là kỷ vật của anh có từ công trình đầu tiên, tận dụng từ những mảnh ván, thanh cốp pha dư thừa, đóng thành một bộ bàn ghế để ngồi uống trà, đánh cờ… với anh em. Mỗi lần dời đi công trường khác, bỏ lại không đành nên anh mang theo, riết rồi nó thành vật gia bảo, đi theo đến suốt cuộc đời công tác của anh.
Thật ngạc nhiên, vì với hoàn cảnh của anh có thể dễ dàng mua một bộ bàn ghế sang trọng mà sao phải sử dụng một bộ bàn ghế có trên 30 năm lăn lóc khắp nơi để tiếp khách. Anh cười và chỉ cho tôi vài đồ dùng khác cũng được anh sáng tạo từ những vật dụng tưởng chừng bỏ đi để biến thành ghế, chậu hoa, giá treo, đèn ngủ…
Anh tâm niệm không tham lam, bon chen, bòn rút những thứ không thuộc về mình để thỏa lòng ham muốn. Anh còn trích lời nhà văn Nga Ivan Andreevich Krylov từng viết: “Người tham lam muốn mọi thứ, nhưng cuối cùng họ sẽ mất mọi thứ”. Anh nhắc đến những bạn bè, có người phải vào tù chỉ vì thâm lạm của công. Còn chuyện bạn bè đồng lứa về hưu cất biệt thự; riêng anh ở căn nhà nhỏ xíu, anh chỉ cười, rồi nói: Dư dả bao nhiêu dồn cho hai đứa con đi học.
Có lẽ với tâm thế sống như vậy, nên cuối đời anh thật an nhàn. Hai cậu con trai - tài sản đáng giá nhất, theo lời anh nói - đã học xong thạc sĩ trong nước, ra trường tiếp bước nghề anh.
“Sáng làm vườn, chiều câu cá… Cuộc đời như thế, thật là sang”, anh cười sang sảng đọc thơ tự trào mình như vậy!
Mai Quyên