Trong tuyên bố về tầm nhìn và đại kế hoạch cụ thể cho dự án này, ông Moon cho biết: “Chính phủ cam kết đầu tư ở mức lớn chưa từng thấy vào Thỏa thuận mới phiên bản Hàn Quốc, theo đó trực tiếp đầu tư 114.000 tỷ won (94,6 tỷ USD) từ quỹ nhà nước vào năm 2025”. Nếu tính cả khối tư nhân, tổng đầu tư sẽ lên tới 160.000 tỷ won. Ông dự báo 1,9 triệu việc làm sẽ được tạo ra từ dự án này, đồng thời giúp nền kinh tế phục hồi sau tác động của dịch Covid-19.
“Thỏa thuận mới” vốn là tên gọi của một tổ hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1929-1933 gắn liền với tên tuổi vị tổng thống thứ 32 của Mỹ Franklin Roosevelt. Ông Moon có ý tưởng theo đuổi dự án Thỏa thuận mới phiên bản Hàn Quốc trong một cuộc họp của chính phủ ngày 22-4. Đây là một phần các nỗ lực của chính phủ nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên trong đó cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4 sẽ đóng vai trò dẫn dắt.
Tổng thống Moon cũng cho biết, đây là thiện chí mạnh mẽ của chính phủ nhằm thay đổi căn bản Hàn Quốc từ một “nền kinh tế đi sau” thành một “nền kinh tế dẫn đầu”, từ một nền kinh tế vốn phụ thuộc vào khí CO2 thành một nền kinh tế “ít khí thải” và một “xã hội toàn diện”. Theo ông Moon, sự biến chuyển này sẽ diễn ra ở các lĩnh vực gồm chính phủ trí tuệ nhân tạo, hạ tầng chăm sóc y tế thông minh, tái cơ cấu xanh, năng lượng xanh, vận tải thân thiện môi trường, trường học xanh thông minh, bản sao kỹ thuật số, xã hội số hóa và tổ hợp công nghiệp xanh thông minh…
Hàn Quốc đã theo đuổi “chuyển đổi xanh” ngành công nghiệp, tập trung vào đổi mới theo hướng xanh các ngành công nghiệp cốt lõi, tái cơ cấu công nghiệp để phát triển carbon thấp và xanh hóa chuỗi giá trị. Việc thúc đẩy các doanh nghiệp đưa các yêu cầu về môi trường vào trong hoạt động kinh doanh đã mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc xanh hóa các ngành công nghiệp lớn như thép, hóa chất, ô tô và điện tử, là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải nhiều khí nhà kính.
Để thúc đẩy cải cách cơ cấu, chính phủ đã lựa chọn 17 ngành công nghiệp có tiềm năng cao nhất để tạo ra các thị trường mới và mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực. Việc xanh hóa chuỗi giá trị đòi hỏi sự hỗ trợ các doanh nghiệp xanh vừa và nhỏ, thúc đẩy quá trình quay vòng tài nguyên trong sản xuất công nghiệp, thành lập các tổ hợp công nghiệp xanh để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp công nghệ cao, quan hệ đối tác công tư đổi mới. Trong báo cáo mới nhất về xu hướng ngành công nghiệp ô tô do Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc công bố, trong 6 tháng đầu năm nay nước này đã xuất khẩu 55.536 ô tô điện, tăng 82% so với năm ngoái. Cũng theo báo cáo trên, tổng số ô tô thân thiện môi trường của Hàn Quốc xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đạt 127.626 xe, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Những thành quả thiết thực về kinh tế thu được cho thấy, chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi, đem lại động lực tăng trưởng mới cho quốc gia này cũng như hợp tác quốc tế và Hàn Quốc kỳ vọng sẽ trở thành một 5 cường quốc kinh tế xanh của thế giới vào năm 2050.