Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực đối với các nhà thầu tham gia xây dựng đường ống dẫn khí trị giá 10,6 tỷ USD. Các biện pháp trừng phạt này đã được Hạ viện Mỹ thông qua tuần trước, nhằm ngăn chặn việc xây dựng tiếp đường ống dưới biển Baltic và dự kiến vận chuyển gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức.
Tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2 đang cố gắng hoàn thành dự án càng sớm càng tốt. Trên thực tế, hơn 75% đường ống dẫn khí đã được lắp đặt và công việc diễn ra trôi chảy từ Đức và Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ đường ống này vì nó sẽ đem lại nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả phải chăng. Chính phủ các nước châu Âu - vốn đang trông đợi nhận được khí tự nhiên từ dự án này, đã kêu gọi Washington không can thiệp vào các vấn đề thương mại của châu Âu. Họ cáo buộc Mỹ phản đối đường ống này là nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu sang lục địa già lượng khí đá phiến do Mỹ sản xuất.
Cùng ngày 17-12, tờ Bild của Đức dẫn một văn kiện nội bộ của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, Chính phủ Đức dự kiến Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trong tuần này, không muộn hơn ngày 20-12. Ngoài ra, Berlin tin rằng điều này có thể gây trở ngại việc đặt đường ống xuống dưới biển Đan Mạch. Đức tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 xây dựng 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ m3 khí mỗi năm từ bờ biển Nga đi qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc hiện tại trước khi rẽ nhánh. Trước đó, dự kiến việc xây dựng được hoàn tất trong năm 2019. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Các nghị sĩ Mỹ đã cảnh báo dự án trên sẽ giúp chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin thu được hàng tỷ USD và gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Moscow tại châu Âu.
Tuy nhiên, theo Sputnik News, động thái của Mỹ cho thấy họ đã phần nào thừa nhận bất lực trước đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Trước đó, tờ Bloomberg còn dẫn nguồn trong Chính phủ Mỹ cho rằng, Mỹ không còn có thể can thiệp vào việc thực hiện dự án này. Theo tờ RIA Novosti, việc xây dựng dự án đang trong giai đoạn hoàn tất, đã quá muộn để Mỹ có thể gây trở ngại cho việc thực hiện dự án thông qua các biện pháp trừng phạt.
Vì Washington không có đòn bẩy gây sức ép đối với Nga trong việc xây dựng đường ống, nên theo Bloomberg, Chính phủ Mỹ không những đề xuất áp đặt lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 mà còn cả dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.