Lạm dụng giải trí online ở giảng đường

Khu học tập thành nơi giải trí
Lạm dụng giải trí online ở giảng đường

Nhiều trường đại học có WiFi miễn phí, một số nơi còn có hẳn một khu Internet bao gồm các phòng máy ở ngay trong khuôn viên trường để hỗ trợ học tập. Song trên thực tế, giảng đường đã biến thành nơi giải trí online với đủ loại hình từ lướt web, truy cập mạng xã hội, chat… cho đến cả game online.

Một số khu hỗ trợ học tập của các trường đại học trở thành khu giải trí online.

Một số khu hỗ trợ học tập của các trường đại học trở thành khu giải trí online.

Khu học tập thành nơi giải trí

“Thản nhiên lướt web, facebook trên giảng đường cho đỡ buồn ngủ trong khi giảng viên đang giảng bài. Một số bạn ngồi cuối lớp còn chia sẻ hình ảnh rồi che miệng cười tủm tỉm. Cứ thế, giáo viên mặc kệ sinh viên, sinh viên cũng tự do làm việc mình thích vì cho rằng bài giảng quá nhàm chán… miễn không làm phiền, không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh là được”. Đó là lời tâm sự của bạn N.V.T. (sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM). Theo T., nghiện chat online, facebook hay các mạng xã hội khác là chuyện bình thường. Một số sinh viên còn mang cả laptop cấu hình mạnh vào giờ học để chơi game có nội dung bạo lực, kích dục... Khi giáo viên đến gần, sinh viên chỉ cần tắt màn hình là xong.

Tại Trường Đại học Sài Gòn, vào trong dãy nhà KLF có hẳn một phòng internet khá khang trang ở tầng trệt. Dãy nhà này được gọi là Trung tâm Hỗ trợ học tập. Thế nhưng khi vào sâu trong khu phòng máy, số lượng sinh viên tìm tài liệu, làm bài, tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học không nhiều. Trong khi đó, nhiều sinh viên “bận rộn” trong việc thỏa sức đam mê với game online, lướt trang mạng facebook, chat, xem phim, nghe nhạc...

Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng có một khu vực phòng máy rộng chừng 50m2 nằm trong khuôn viên giảng đường. Nhưng nhiều sinh viên vào truy cập chỉ nhằm mục đích giải trí cá nhân. Bạn N.T.L., sinh viên năm cuối của trường cho biết: Sử dụng phòng net cũng trả tiền giờ tương tự như bên ngoài. Nhưng vào đây rộng rãi, đỡ ồn ào, lại gần phòng học nên rất tiện. Chỉ khi nào hết máy, sinh viên mới ra bên ngoài để giải trí.

Hệ lụy

Không phủ nhận internet đã hỗ trợ đắc lực trong quá trình học tập, nghiên cứu ở giảng đường. Tuy nhiên, không ít sinh viên cho rằng việc giải trí trong trường học thông qua sử dụng internet là tiết kiệm. Thay vì tốn tiền để lắp đặt đường truyền tại nhà, hay tốn một khoản tiền nước để ra quán cà phê, sinh viên có thể “xài chùa” mạng tại trường tối đa.

T.H.B.N. (sinh viên Khoa Toán, Đại học Sài Gòn) nhìn nhận Giải trí online trong giờ học rất dễ gây mất tập trung. Hơn nữa, đây là hành động không tôn trọng giảng viên, mọi người xung quanh mình và chính bản thân mình”. B.K.T. (sinh viên khoa Anh, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) kể, ngay sảnh chính khu A của trường có khá nhiều sinh viên dùng laptop để giải trí. Do mải mê chơi mà không để ý xung quanh, các đối tượng xấu đã tự do đi vào trường rồi giật laptop bỏ chạy. T. khẳng định, lạm dụng giải trí online sẽ ảnh hưởng đến việc học. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy khác như tình trạng sống ảo, suy giảm sức khỏe và tinh thần của giới trẻ, gia tăng bạo lực và tội phạm học đường… 

Việc quản lý chưa chặt từ phía nhà trường đã tạo điều kiện cho sinh viên tự do giải trí online. Môi trường giảng đường là nơi nghiêm túc trong việc học tập, tích lũy kiến thức. Đến giảng đường để học và dùng internet để học chứ không phải vào mạng để vui chơi, giải trí, là điều các trường, các sinh viên phải lưu ý.

ĐỖ PHI - TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục