Như một cách để lan tỏa niềm tin và tinh thần tích cực trong những ngày dịch bệnh, fanpage trường tôi mỗi ngày đều cập nhật một bài hát ngợi ca quê hương, đất nước, nhạc cách mạng và những bài hát cổ vũ đội ngũ y tế đang làm việc nơi tuyến đầu.
Những video đều đặn mỗi ngày, ca sĩ với lối hát mộc cùng nhạc công đệm đàn guitar, không bản phối mới cũng không hát bè nhưng lại thu hút rất hiệu quả. Hơn 31.000 lượt thích, 3.000 lượt chia sẻ và gần 1.000 bình luận… là những con số rất đáng kể cho fanpage của một trường đại học không có nhiều kế hoạch truyền thông hay quảng cáo như trường tôi.
Có những bài hát, không cần phải làm mới hay phá cách theo kiểu hiện đại vì tự thân nó đã hay và rất thu hút. Không phải tự nhiên mà người ta lại gắn cho dòng nhạc truyền thống cách mạng những cái tên như “giai điệu đi cùng năm tháng” hay “ca khúc bất hủ”… Đó là những bài hát có tuổi đời đã rất lâu, ra đời vào một giai đoạn hào hùng của đất nước, vì thế mà khi nó vang lên thì lòng người lại lâng lâng xúc động.
Như cách làm của trường tôi là một minh chứng cho điều đó. Tất nhiên, để bài hát trọn vẹn thì ca sĩ phải là giọng ca có năng khiếu, kỹ thuật thanh nhạc tốt và cũng chỉ cần thể hiện như vậy đã là đủ, không cần phải quá gân guốc ở những cao độ hay chọn cách hát bè, phối mới bản nhạc. Đôi khi chính phần thể hiện tôn trọng nguyên tác gốc của tác giả hòa cùng cảm xúc của người hát chính là yếu tố để chạm đến trái tim người nghe, chứ không phải là kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện hay bản nhạc bè phối theo lối hiện đại.
Vài tuần trước, bạn tôi gửi đường link một chương trình dành cho những giai điệu bất hủ, những ca khúc cách mạng hào hùng phát định kỳ theo tháng của VTV.
Nhưng bạn tôi lại không mấy hào hứng như những số phát sóng trước, bạn nhắn: “Tự dưng tới đây chán hết muốn coi luôn, không hiểu sao ban tổ chức lại chấp nhận bản phối này”.
Tôi cũng ậm ừ để đó vì chưa có thời gian để xem và một phần cũng hiểu bạn tôi khá khó tính trong chuyện nghe nhạc. Mà khán giả khó tính, có gu thưởng thức như bạn tôi bây giờ không hề ít.
Mở lại đường link chương trình, phía dưới là không ít bình luận góp ý thẳng thắn của khán giả: “G.Đ.T.H của những năm trước đâu, giờ dàn dựng và chọn ca sĩ hát cũng không đúng nữa. Phối lại là chuyện sáng tạo nhưng ca sĩ cũng phải hát sao cho đúng tinh thần của những ca khúc bất hủ chứ”, “Bài hát có âm hưởng điệu then, điệu múa xòe, thế mà đem cho P.A.K nhảy rock thì thử hỏi gu thẩm mỹ của ban tổ chức ở đâu. Tất nhiên, đây chỉ là hạt sạn, còn ý tưởng bố cục của chương trình là tốt”, “Phối mới nhưng chẳng phù hợp với tinh thần bài hát. Hát thều thào như viêm họng, phần luyến láy cũng chả hợp, nói còn rõ hơn là hát. Rất thất vọng!”…
Và tôi, khi xem lại số phát sóng này cũng khá thất vọng như bạn tôi và những khán giả bình luận nói trên. Sự sáng tạo là điều đáng trân trọng, với nghệ thuật cần phải khích lệ sáng tạo nhiều hơn nữa để khán giả không bị nhàm chán. Nhưng có lẽ sáng tạo cũng cần một giới hạn và chuẩn mực nhất định. Làm mới khác với phá nát bài hát và không phải cứ mang một bài hát nào đó, phối mới lại theo kiểu rock, rap thì sẽ ra sản phẩm sáng tạo mới lạ, hiện đại. Muốn làm mới thì trước tiên phải hiểu và tôn trọng tinh thần bài hát mà ngay từ đầu người nhạc sĩ đã tạo dựng, chứ không phải gắn bài hát vào bản phối “lạ” rồi mặc sức gào thét với cao độ, lê thê ở những nốt trầm và cho rằng đó là làm mới, là sáng tạo.