Làm mới mình trong cuộc đua thu hút FDI

Thuế Doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, nội dung đã được đề cập và bắt đầu ảnh hưởng đến môi trường đầu tư khắp thế giới từ 10 năm trước, nhưng gần đây được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Chúng ta phải tiếp tục đổi mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ổn định và phát triển kinh tế.
Hệ thống siêu thị của doanh nghiệp FDI cung cấp nhiều loại sản phẩm ngoại nhập. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hệ thống siêu thị của doanh nghiệp FDI cung cấp nhiều loại sản phẩm ngoại nhập. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hết thời “đua xuống đáy”

Đầu tư nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất lớn đối với nền kinh tế. Tại TPHCM, khu vực FDI đang đóng góp hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và góp hơn 78.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách. Doanh nghiệp FDI cũng xuất nhập khẩu tầm 25 tỷ USD mỗi năm, chiếm 61% kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố.

Một vấn đề đặt ra, phải chăng đến khi thuế Doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng, việc thu hút FDI của các quốc gia mới bị ảnh hưởng? Và chỉ những “đại bàng”, tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR mới bị tác động? Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét: “Các nhà đầu tư nhanh nhạy và tính toán kỹ hơn chúng ta rất nhiều”. Mười năm trước, khi thuế này được đề cập, chắc hẳn họ đã cân nhắc tính toán nên đầu tư vào đâu. Với việc đánh thuế trên nguyên tắc toàn cầu và cộng gộp, bất kỳ quốc gia nào có tham gia vào chuỗi hoạt động đầu tư đều có quyền thu thuế cho đủ mức tối thiểu toàn cầu là 15%. Nghĩa là, nếu quốc gia nào cứ tiếp tục ưu đãi cho nhà đầu tư bằng mức thuế thấp, thì quốc gia nơi đặt trụ sở của tập đoàn cũng sẽ thu cho bằng được. Đặt trường hợp chính quốc “chê” nguồn tiền này, không đánh thuế đủ mức tối thiểu, thì bất kỳ nước nào mà tập đoàn đó có hoạt động đầu tư cũng có quyền thu cho đủ.

Vấn đề đặt ra là, lâu nay công cụ quan trọng nhất để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài là thuế và ưu đãi tiền sử dụng đất. Cứ có dự án đầu tư là đương nhiên doanh nghiệp được hưởng chính sách 4 năm miễn, 9 năm giảm thuế; hoặc 2 năm miễn, 3 năm giảm… Ngoài ra còn có những chính sách “đính kèm” như dự án đầu tư ở vùng xa trung tâm, hay đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Gộp hết mọi ưu đãi, có khi doanh nghiệp chỉ còn phải chịu mức thuế chưa tới 6%/năm. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã sớm cảnh báo, cuộc đua ưu đãi thuế là “cuộc đua xuống đáy”. Theo thống kê, ở khu vực ASEAN, mức thuế suất ưu đãi của Việt Nam (12,3%) vẫn chưa phải là thấp nhất. Thái Lan hiện áp dụng mức 9,5%, Singapore là 7%, Lào là 10,5%, Indonesia là 11,5%. Chỉ có Malaysia và Philippines đang áp dụng mức thuế ưu đãi hơn 15%.

Do vậy, với mức thuế tối thiểu toàn cầu, nếu một công ty của Singapore đầu tư vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế 6%, thì Singapore có quyền thu 9%. Doanh nghiệp đầu tư cũng mất ưu đãi 6% đó, còn chúng ta mất đi nguồn thu và đương nhiên cũng mất hẳn ưu thế trong cuộc đua thu hút đầu tư FDI, nếu như không nắm lấy cơ hội này và làm mới mình.

Cơ hội cải thiện môi trường đầu tư

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, trong thu hút FDI, vai trò của chính sách thuế chỉ ở mức rất thấp. Những yếu tố tác động lớn hơn đến sức hấp dẫn thu hút FDI sẽ bao gồm sự ổn định chính trị, mức lương, quy mô thị trường trong nước, sự hỗ trợ của chính quyền, liên kết chuỗi và cụm ngành, tiếp cận thị trường thế giới… Đến nay TPHCM vẫn giữ được hấp lực trong thu hút FDI, bởi vị trí chiến lược khó thay thế trong cả khu vực, thuận lợi trong tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hạ tầng vẫn hạn chế, liên kết chuỗi và cụm ngành lỏng lẻo nên khi có biến động thì khả năng rời đi của doanh nghiệp FDI là rất cao; chính sách thuế đại trà và kém cạnh tranh, lại không được phân cấp về quyền đánh thuế. Do vậy cần thay đổi tư duy tiếp cận, thu hút FDI chất lượng cao. Tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính…

Những năm gần đây, TPHCM đang đi theo hướng tăng trưởng dịch chuyển dần về các ngành dịch vụ thay vì công nghiệp sản xuất, giảm các ngành thâm dụng lao động và tăng các ngành công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế gần như không được coi là lợi thế chính thu hút đầu tư nữa, mà đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp FDI ở nhiều khía cạnh khác. Thực tế đã cho thấy đây là hướng đi đúng, cần phát huy, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

“Hóa giải” chuyện thiếu quỹ đất

Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp TPHCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng cho biết, TPHCM được quy hoạch gần 6.000ha đất công nghiệp nhưng có tới 1.500ha vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng. Năm 2023, HEPZA chỉ được phân bổ 41ha đất nông nghiệp để cho thuê và số đất này lại nằm rải rác trong các khu chế xuất, khu công nghiệp chứ không tập trung quy mô lớn. Do đó, TPHCM cần sớm đưa ra lộ trình sắp xếp lại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện cho “đại bàng” đến làm tổ, thay đổi chất lượng FDI.

Tin cùng chuyên mục