Làm rõ vụ mua bán thuốc điều trị Covid-19 liên quan đến cán bộ y tế

Tại cuộc họp báo chiều 27-9, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, đại diện Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM đã khởi tố vụ sản xuất hàng giả, buôn bán thuốc tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị Covid-19 và điều tra một vụ tham ô, mua bán thuốc kháng virus điều trị Covid-19 (túi thuốc C). 

Chiều 27-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Chủ trì họp báo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải.

Thông tin tại họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 26-9, TPHCM ghi nhận 372.202 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong ngày 26-9 có 2.805 bệnh nhân nhập viện, 2.936 trường hợp xuất viện. Số bệnh nhân đang thở máy giảm dần, cụ thể: ngày 24-9 là 2.049 ca, ngày 25-9 là 1.918, ngày 26-9 còn 1.856 ca. Đồng thời, TPHCM cũng ghi nhận 122 ca tử vong trong ngày. “Đây là những con số cho thấy tín hiệu rất tích cực”, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải nhận định.

Làm rõ vụ mua bán thuốc điều trị Covid-19 liên quan đến cán bộ y tế ảnh 1 Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Phạm Đức Hải thông tin tại họp báo

Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, đại diện Công an TPHCM cho biết, thời gian qua, Công an TPHCM đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, đặc biệt đối tượng lợi dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19 để vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi cung cấp, phân phối, tiêm vaccine; buôn bán vật tư y tế thiết bị phòng chống dịch trái phép; sản xuất hàng giả…

Theo đó, Công an TP đã khởi tố 3 bị can là cán bộ phụ trách kinh tế, cán bộ phụ trách điểm tiêm chủng đã có hành vi móc nối, đưa 21 trường hợp không thuộc diện vào danh sách tiêm, thu lợi bất chính 51,8 triệu đồng.

Ngoài ra, Công an TP cũng khởi tố 1 bị can lợi dụng mạng xã hội đăng tải thông tin cung cấp giấy đi đường, tiêm ngừa vaccine, thuốc kháng virus để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng với hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 trái phép, Công an TP đã và đang xử lý 2 vụ việc, trong đó khởi tố 1 vụ án với 3 bị can về tội sản xuất, buôn bán tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị Covid-19; đang điều tra làm rõ 1 vụ việc liên quan hành vi tham ô tài sản, mua bán thuốc kháng virus (Molnupiravir) liên quan cán bộ quản lý dược tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân và Tân Phú, cùng các đối tượng liên quan.

Làm rõ vụ mua bán thuốc điều trị Covid-19 liên quan đến cán bộ y tế ảnh 2 Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, đại diện Công an TPHCM thông tin về các vụ việc lợi dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19 để vi phạm pháp luật

Về công tác kiểm tra, giám sát, Công an TP đã tổ chức 12 chốt trạm kiểm soát cấp TP và 39 trạm cấp quận, huyện trên các tuyến đường giáp ranh với các tỉnh lân cận. Tại mỗi điểm giáp ranh, luôn có 2 chốt chặn (của TPHCM và của tỉnh bạn), có camera giám sát. Lực lượng bao gồm Công an TP, lực lượng của Bộ Công an tăng cường, y tế, quản lý thị trường… tổ chức kiểm soát 24/24. “Điều này cho thấy việc tổ chức kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm túc”, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến khẳng định.

Liên quan đến thực hiện chi trả gói hỗ trợ đợt 3, đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, TP hiện đang khẩn trương triển khai, tuy nhiên không tránh khỏi một số trục trặc dẫn đến chậm trễ. Sở LĐTB-XH cùng 21 quận huyện, TP Thủ Đức, 312 phường/xã liên tục câp nhật danh sách người được chi trả, lên đến trên 7 triệu người - một con số rất lớn. “Việc rà soát để không trùng lắp, không bỏ sót. Rà soát và cập nhật xong danh sách phần nào, chúng tôi sẽ thông báo quận huyện chi trả phần đó”, đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM khẳng định.

150.000 trường hợp F0 chưa được cấp mã bệnh nhân

Thông tin tại buổi họp báo, về việc Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân cho các F0 được phát hiện qua test nhanh, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho hay, tháng 8 và tháng 9 có số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM tăng nhanh, đa số được phát hiện qua test nhanh. Thành phố đã ghi nhận tất cả trường hợp test nhanh dương tính là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, chăm sóc tại nhà, phát gói thuốc A, B, C để chăm sóc, điều trị tại cộng đồng.

Qua thống kê của ngành y tế TP, có 150.000 F0 chưa được cấp mã bệnh nhân. Vì theo quy định của Bộ Y tế, để xác định trường hợp là F0 cần xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), trong khi test nhanh có hạn chế. Tuy nhiên, về khoa học, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng của mắc Covid-19 qua test nhanh thì cần được xác nhận mắc virus SARS-CoV-2 để điều trị thay vì chờ PCR.

 “Để có cơ sở báo cáo chính thức số ca test nhanh dương, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TPHCM công bố người có kết quả test nhanh dương tính được khẳng định là bệnh nhân mắc Covid-19; đồng thời cấp mã số cho họ để TP quản lý” - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay.

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ của ngành y tế TP trong thời gian tới, theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, bên cạnh việc tiếp tục điều trị bệnh nhân Covid-19 thì vẫn phải điều trị cho các trường hợp bệnh không do Covid-19. Nguyên tắc phục hồi công năng cho các cơ sở dã chiến phụ thuộc vào số ca mắc, ca bệnh nặng. TPHCM sẽ ưu tiên phục hồi bệnh viện quận huyện trước để tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người dân. Đến nay,  Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi đã chuyển tất cả các trường hợp mắc Covid-19 sang nơi khác để “xanh hóa” và trong vài ngày tới sẽ tiếp nhận điều trị bệnh cho người dân.

Tin cùng chuyên mục