Làm sao để “trúng” nguyện vọng 2?

Những lưu ý về xét tuyển NV2
Làm sao để “trúng” nguyện vọng 2?

Ngày 25-8 là thời điểm các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Khoảng 160.000 thí sinh (TS) trượt NV1 nhưng đủ điểm sàn bắt đầu vào cuộc đua mới, quyết liệt không kém 2 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra vào đầu tháng trước.

  • Xét NV2: Đỡ căng thẳng hơn?

Ông Đỗ Duy Dự, Trưởng ban Thư ký (Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005) cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là 225.000 (trong đó ĐH có 146.261, CĐ có 86.027 chỉ tiêu). Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua đã lọc được trên 300.000 thí sinh có đủ điểm sàn trở lên.

Trong số này có khoảng 150.000 TS đã trúng tuyển NV1, như vậy chỉ còn khoảng 160.000 có điểm trên sàn nhưng chưa được xét tuyển. Số TS này sẽ phải “tranh nhau” trên 74.000 chỉ tiêu xét tuyển, về mặt lý thuyết cứ 2 thí sinh sẽ có 1 được xét tuyển, vì vậy, sức ép xét tuyển NV2 sẽ đỡ căng thẳng hơn năm ngoái do nguồn tuyển dồi dào.

Trên thực tế, chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH công lập còn rất ít: ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ còn 18 suất với mức điểm sàn nhận hồ sơ từ 22 đến 22,5 điểm; Phân viện Báo chí Tuyên truyền chỉ còn 40 chỉ tiêu cho 4 khoa: Xã hội học, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước (mức điểm nhận hồ sơ từ 20,5 đến 21 điểm)...

Làm sao để “trúng” nguyện vọng 2? ảnh 1

Thí sinh đến Văn phòng Bộ GD-ĐT nhận phiếu báo điểm thi ĐH.

Trong khi đó, số chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào các trường ĐH dân lập là 21.000 TS (chiếm khoảng 60% tổng chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào ĐH). Tuy chỉ tiêu xét tuyển ĐH dân lập nhiều nhưng ông Đỗ Duy Dự vẫn nhận định, “nhiều trường còn ít chỉ tiêu nhưng vẫn hấp dẫn TS nên sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thí sinh đổ dồn vào nộp hồ sơ, dẫn đến tình trạng nhiều TS điểm cao vẫn tiếp tục rớt ĐH”.

Còn nhớ trong kỳ tuyển sinh năm 2004, chỉ sau nửa tháng nhận hồ sơ xét tuyển NV 2, ĐH Dân lập Thăng Long đã nhận được gần 1.400 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu NV2 nhà trường được nhận là 900. Vì vậy, dù điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển NV2 là 16 điểm nhưng với lượng đăng ký lớn gấp rưỡi chỉ tiêu như vậy, nhà trường chỉ chọn các thí sinh có kết quả thi từ 17,5 điểm trở lên để xét tuyển... ĐH Dân lập Thăng Long là một trong số nhiều trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc có số TS đăng ký xét tuyển lớn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu được giao.

Tình huống này cũng được dự kiến sẽ xảy ra trong mùa tuyển sinh 2005, khi các trường ĐH, nhất là các trường ĐH công lập phía Bắc bắt đầu xét tuyển NV2. Vì vậy, thí sinh nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường có mức điểm nhận hồ sơ thấp hơn kết quả thi từ 2 đến 3 điểm. Dự báo của các chuyên gia tuyển sinh cho biết, điểm trúng tuyển NV2 của khối C, D ít nhất cũng từ 17 điểm trở lên, còn khối A và B, mức điểm trúng tuyển phải đạt từ 21 đến 23 điểm. 

  • Kiên quyết không hạ điểm sàn

Cũng trong năm 2004, tình trạng thiếu nguồn tuyển sinh đã xảy ra ở nhiều trường phía Nam, đặc biệt là ở các trường ĐH dân lập. Năm nay, theo Bộ GD-ĐT, số TS đạt từ điểm sàn trở lên, đạt tỷ lệ 219% so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ so sánh trên toàn quốc. Nếu tính từng vùng miền thì tình trạng thừa, thiếu cục bộ lại sẽ xảy ra. Chỉ xét về mặt lý thuyết, Bộ GD-ĐT đã xác định được ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nguồn tuyển cho 200 chỉ tiêu NV2, 3 của khối A và khoảng 100 chỉ tiêu của khối D. Riêng khối B và C thì tất cả các vùng trên toàn quốc đều đủ và thừa...

Năm trước, nhiều trường ĐH, đặc biệt là khối dân lập phía Nam đã “xé rào” điểm sàn và dùng nhiều cách để “hút” TS như ưu tiên xét tuyển cho các thí sinh nộp hồ sơ trước... Diễn biến này cũng sẽ khó tránh khỏi trong đợt xét tuyển  NV2, 3 năm nay. Vẫn theo ông Đỗ Duy Dự, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết không hạ điểm sàn.

Nhưng để giúp các trường đỡ khó khăn về nguồn tuyển, Bộ đã cho phép các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, các trường đào tạo nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Bắc, Tây Nguyên… được xét tuyển theo điều 33 của Quy chế tuyển sinh (mức chênh lệch giữa các đối tượng trên 1 điểm nhưng không quá 2 điểm, ưu tiên khu vực từ 0,5 điểm trở lên nhưng cũng không quá 2 điểm). Với ưu đãi này, nhiều thí sinh có kết quả thi 10 – 11 điểm cũng sẽ có cơ hội đỗ ĐH!.

Đinh Lan

Những lưu ý về xét tuyển NV2

Để đủ điều kiện tham gia xét tuyển NV 2 và 3, TS cần lưu ý các vấn đề sau:

- Điểm sàn ĐH đối với học sinh ở khu vực 3 khối A và B: 15 điểm, khối C và D: 14 điểm. Điểm sàn đối với các khu vực kế tiếp giảm 0,5 điểm, đối với các đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm. Điểm sàn các khối tương ứng của hệ CĐ thấp hơn hệ ĐH là 3 điểm.

- Thí sinh có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn hệ CĐ nhưng không trúng tuyển NV1, được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu của trường tổ chức thi để tham gia xét tuyển NV2 và 3 vào các trường ĐH, CĐ.

- Hồ sơ xét tuyển gồm: 1 giấy chứng nhận kết quả thi (NV1 giấy số 1, NV2 giấy số 2) có đóng dấu của trường tổ chức thi và TS đã điền đầy đủ nguyện vọng vào phần để trống; 1 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS. Không phải gửi kèm lệ phí xét tuyển. Hồ sơ gửi qua đường bưu điện chuyển phát nhanh theo thời hạn: NV2 từ ngày 25-8 đến hết ngày 10-9-2005; NV3 từ ngày 15-9 đến hết ngày 30-9-2005.

- Mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 ghi trong thông báo này là mức điểm đối với học sinh khu vực 3. Mức điểm nhận hồ sơ đối với các khu vực kế tiếp giảm 0,5 điểm, đối với các đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm. Riêng các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số hoặc trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương thì mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với các khu vực kế tiếp và các đối tượng kế tiếp có thể thấp hơn quy định trên và đã được ghi rõ tại cột ghi chú.

Nguyên tắc xét tuyển của các trường: lấy từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu và đúng vùng tuyển.

- Điều kiện xét tuyển NV2 của các trường CĐ Sư phạm địa phương, TS tìm hiểu trực tiếp tại trường, trên mạng Internet hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

P.Đ. 

Tin cùng chuyên mục