Làm thể thao trên báo Đảng

Làm thể thao trên báo Đảng

Ngay từ những số báo đầu tiên của Báo SGGP, mảng thể thao cũng đã góp mặt dù với một không gian hạn chế và liều lượng thông tin chưa phong phú, do đặc thù của điều kiện xã hội những ngày đầu thống nhất. Nhưng ở dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên, những người “làm thể thao trên báo Đảng” của Báo SGGP vẫn cảm thấy tự hào.

Bạn đọc trẻ thích thú với tờ Báo Thể thao Sài Gòn Giải Phóng tại một giải đấu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mảng thể thao của Báo SGGP hiện nay được thể hiện qua 1/2 trang thời sự hàng ngày trên nhật báo, các thông tin chi tiết và bao quát hơn được chuyển tải trên Báo SGGP-Thể thao, trong khi những tin nóng nhất được cập nhật tại trang báo điện tử.

Những người đầu tiên làm thể thao tại Báo SGGP hiện không còn làm việc tại cơ quan nhưng cái “chất” của những ngày đầu ấy thì vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài những đặc tính của lĩnh vực thông tin như tính cách xông pha, luôn nỗ lực “chạy” trước các sự kiện thể thao, thì mảng thể thao trên Báo SGGP còn khác biệt ở tính tranh đấu, phản biện xã hội vốn là đặc thù của một cơ quan truyền thông chính trị - xã hội.

Thể thao trên báo Đảng để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ. Ngày nay, trong các sự kiện thể thao lớn trong nước và thế giới, người ta đã quá quen thuộc với các ấn phẩm “Tin nhanh”, nhưng có mấy ai biết được Báo SGGP cùng với bản tin TTXVN chính là những tờ báo đầu tiên phát hành “Tin nhanh World Cup 1982”.

Đối với các sự kiện trong nước, mảng thể thao của Báo SGGP cũng đi đầu trong các sự kiện mang tính phát hiện, định hướng cao, đơn cử như sự kiện “Nguyễn Kiều Oanh trước thềm Olympic Seoul 1988”, sự kiện vỡ sân thi đấu giải đua xe gắn máy đầu tiên tại Việt Nam ở trường đua Phú Thọ, vụ “11 cầu thủ Hải quan và Quảng Nam Đà Nẵng rời bỏ trại tập huấn tại Nhổn trước thềm SEA Games 1991”…

***

Thể thao trên báo Đảng thực sự là món ăn tinh thần của người hâm mộ. Hơn thế, nơi đây còn là chiếc cầu nối với các ngôi sao thể thao, với các nhà chuyên môn, các đồng nghiệp thông qua các chương trình tổ chức giải thưởng “Quả bóng vàng”, “Chiếc giày vàng”, “Cúp xe đạp báo chí”.

Chính lòng đam mê và khả năng tập hợp nhân sự ấy mà đầu năm 1994, Báo SGGP là cơ quan báo đầu tiên trên cả nước ra mắt ấn phẩm phụ trang chuyên biệt về thể thao.

Đang tương đối “thong dong” với hoạt động tin bài ít ỏi trên nhật Báo SGGP, những người làm thể thao của báo lại lao vào một cuộc chiến với chính mình trên không gian rộng hơn, phức tạp hơn của phụ trang. Để có được bài tường thuật nóng hổi từ các sân bóng trên khắp cả nước phục vụ cho độc giả ngay sáng hôm sau, các phóng viên thể thao phải chạy đua với thời gian.

Ấy vậy mà từ chỗ phát hành một tuần/1 số với 4 trang báo, đến tuần/2 số chỉ có vài tháng. Rồi từ 4 trang lên 8 trang cũng chỉ trong thời gian ngắn. Tại kỳ SEA Games 19 (1997), Báo SGGP-Thể thao đã phát hành con số kỷ lục của làng báo thể thao là 292.000 tờ/ngày vào dịp đội tuyển Việt Nam vào bán kết môn bóng đá.

Rồi những chuyến tác nghiệp tại SEA Games, Tiger Cup với chỉ lực lượng tối thiểu là 1 phóng viên viết, 1 phóng viên ảnh, nhưng người làm báo thể thao SGGP-Thể thao vẫn được bạn đọc tin cậy xếp hàng đầu về mức độ phong phú chất lượng và tính chuẩn xác của thông tin.

Ngày 1-1-2014, SGGP-Thể thao bản online ra mắt bạn đọc, tiếp tục “giữ lửa” thông tin, đồng thời trở thành một trong những kênh thông tin thể thao online rất được bạn đọc quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức ở phía trước…

Kỷ niệm 40 năm ngày ra số đầu tiên, người làm thể thao tại Báo SGGP có chung niềm vui và vẫn có những niềm tự hào riêng.

YẾN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục