Làm việc ngày thứ bảy : Cần hướng dẫn để tránh lãng phí

Tăng nhưng... không đáng kể
Làm việc ngày thứ bảy : Cần hướng dẫn để tránh lãng phí

Trong tuần thứ hai làm việc ngày thứ bảy, ở Kho bạc quận 1, lượng người đến giao dịch khá đông. Đại diện Kho bạc quận 1 cho biết, từ sáng đến trưa, đã có trên 100 trường hợp liên hệ đóng phạt, nộp thuế, thu hơn 102 triệu đồng tiền nộp 5 loại thuế, trên 10 triệu đồng tiền phạt gần 100 loại khác.

Làm việc ngày thứ bảy : Cần hướng dẫn để tránh lãng phí ảnh 1

Ngày thứ bảy, người dân đến Sở Tư pháp chủ yếu chỉ để hỏi thông tin.Ảnh: Mai Hương

Còn tại các điểm thu của Kho bạc quận 1 đặt tại Chi cục Thuế quận cũng thu hơn 46 triệu đồng cho các loại thuế, tiền phạt. Tuần trước - ngày đầu tiên triển khai làm việc thứ bảy, Kho bạc quận 1 đã đứng đầu “sổ” với tổng số tiền thu được trên 240 triệu đồng, trong khi các kho bạc quận huyện khác chỉ đạt khoảng vài chục triệu đồng/đơn vị.

Bà Phan Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM cho biết, ngoài các kho bạc quận huyện đã làm việc như ngày thường thì Kho bạc TP cũng đã bố trí 3 điểm thu thuế ở sân bay, khu vực Tân Cảng và tại trụ sở chính ở đường 3 Tháng 2, quận 10 cho người dân, đơn vị đến giao dịch.

Sang tuần thứ năm, các phòng công chứng cũng bắt đầu rộn rịp người dân đến giao dịch. Riêng Phòng Công chứng số 1 đã tiếp nhận được hơn 50% lượng khách trong ngày bình thường đến làm việc.

Tăng nhưng... không đáng kể

Đó là vài nơi có đông người đến giao dịch, ở những nơi còn lại, lượng người đến vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Sáng ngày 15-9, Sở Xây dựng TP chỉ có được 3 người khách đến hỏi về các thủ tục cấp phép xây dựng. Cục Thuế TP thì cũng chỉ dao động từ 2 đến 3 người/tuần...

Cuối buổi sáng thứ bảy, Phòng Hộ tịch - lý lịch - tư pháp tại Sở Tư pháp mới “đông vui” hơn một chút. Có 4 khách hàng vào làm lý lịch tư pháp và trích lục bản sao khai sinh, đăng ký kết hôn. Anh Hồng Văn Hải, phó phòng cho biết, cả buổi thu phí được 270.000 đồng. Tuần trước cũng vậy. Tuần này đã là tuần thứ năm Sở Tư pháp triển khai làm việc ngày thứ bảy nhưng lượng khách vẫn lác đác. Ngày thường, chỉ riêng khâu lý lịch tư pháp cũng nhận gần 200 hồ sơ. Thứ bảy thì tuần nào “đắt khách” lắm cũng không vượt quá 15 người. Phòng có 18 nhân viên. Để đảm bảo hết các khâu, chúng tôi phải bố trí 50% quân số trực ngày thứ bảy nhưng do người dân tới giao dịch quá ít nên anh em chỉ… ngồi chơi, đọc báo, lên mạng chờ hết giờ để… về.

Tuần này, UBND quận 9 là quận đầu tiên triển khai làm việc ngày thứ bảy đến tận 13 phường trong quận, không chờ hướng dẫn của TP. Tại phường Tăng Nhơn Phú A, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng người đến làm thủ tục hành chính rất ít, chủ yếu chỉ ghé qua hỏi thăm.

Anh Lục Văn Giang, cán bộ phụ trách văn hóa thông tin của phường cho biết: “Tại những phường trung tâm của quận thì thứ bảy họa may còn có khách, chứ các phường vùng ven, đa số là bà con nông dân thì ngày thứ bảy ít ai đi làm hồ sơ”.

Còn chờ hướng dẫn

Tuy nhiều nơi đã làm việc, nhưng không phải thủ tục nào cũng có thể giải quyết ngay cho người dân. Anh Nguyễn Đình Sang, công chứng viên Phòng Công chứng số 1 cho biết, theo quy trình giải quyết một số thủ tục, nhất là lĩnh vực nhà đất có liên quan đến các cơ quan khác, nên vẫn còn vướng. Đơn cử như trường hợp công chứng nhà đất thì cần UBND phường, xã xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc bổ sung một số thủ tục khác, trong khi các quận huyện chưa làm ngày thứ bảy nên người dân vẫn phải chờ đến thứ hai tuần sau.

Một nhân viên Sở Tư pháp còn dẫn ra trường hợp: người nước ngoài về Việt Nam du lịch, bị chết tại nhà chứ không phải tại cơ sở y tế thì theo nguyên tắc, muốn làm thủ tục khai tử tại Sở Tư pháp phải được UBND phường cấp giấy báo tử. Phường không làm ngày thứ bảy nên dù có cần gấp để tiến hành hỏa táng hay chôn cất, người dân cũng phải chờ tới đầu tuần.

Các thủ tục liên quan khác như đăng ký kết hôn, nếu người dân muốn làm trong ngày thứ bảy mà cấp phường không cấp giấy chứng nhận độc thân, công an phường không xác nhận thường trú, tạm trú thì vẫn không thể xong được. Điều này cũng khiến người dân không muốn làm thủ tục ngày thứ bảy vì có làm được tại sở, cũng phải mất thêm một ngày để về phường.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nhận định: “Hiện tại sở chỉ làm 2 khâu: nhận và trả kết quả cấp phép xây dựng công trình, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình; chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền của giám đốc sở hoặc UBND TP. Tuy nhiên, nhu cầu cấp phép xây dựng, công trình của tổ chức không nhiều, có thể giải quyết trong ngày thường. Quy định của Chính phủ thì vẫn phải chấp hành nhưng qua thực tế triển khai mấy tuần qua, chúng tôi mong TP sớm có hướng dẫn, chỉ đạo để tránh lãng phí”.

Anh Võ Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện Bình Chánh cho rằng: “Cán bộ không ngại làm ngày thứ bảy vì thực tế, nhân viên nhà đất của huyện vẫn phải làm ngày thứ bảy để kịp tiến độ giải quyết hồ sơ. Nhưng căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, nhu cầu đi làm hồ sơ vào thứ bảy không phải là nhiều. Tôi cho rằng, nên làm ngày thứ bảy, nhưng chỉ làm công việc nội bộ để đẩy nhanh tiến độ thụ lý hồ sơ thì hợp lý hơn”. Cùng ý kiến trên, bà Lê Thị Trong, Trưởng phòng Nội vụ quận Thủ Đức cũng cho rằng: “Khâu tiếp nhận và giao trả hồ sơ, nếu có làm ngày thứ bảy để phục vụ cho đối tượng công nhân viên chức thì chỉ nên mở cửa buổi sáng. Buổi chiều, bộ phận nào có liên quan đến việc giải quyết hồ sơ hãy làm, tránh cảnh nhân viên dàn hàng ngang ngồi chờ cả ngày mà không có khách, vừa tốn công, tốn điện, lãng phí”.


 KHẮC MAI - MINH ĐẠO
 

Tin cùng chuyên mục