“Làn gió mới” để TPHCM phát triển bền vững

LTS: Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nội dung quan trọng, như về ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố.

Đây thật sự là niềm vui lớn và cũng là trọng trách lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Báo SGGP trân trọng giới thiệu các ý kiến kỳ vọng về “làn gió mới” để TPHCM phát triển vì cả nước, cùng cả nước.

Niềm vui và trách nhiệm

Nghị quyết 31 đã nêu bật các vấn đề vừa khái quát, vừa đủ rõ về những nhận định, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa XI, về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho thời kỳ mới, tạo tiền đề quan trọng cho TPHCM phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế và nhiều mặt của vùng và cả nước, tiến tới phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Nghị quyết 31 thể hiện sự đánh giá cao những thành tựu mà TPHCM đạt được; đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc và nguyên nhân cần tập trung khắc phục, trong đó có công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương trong tổ chức thực hiện dẫn đến một số chủ trương thực hiện chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ, giải quyết…

Nghị quyết 31 cũng đặt ra yêu cầu cao về mục tiêu và tầm nhìn, về 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Về kinh tế - xã hội, phải phát triển nhanh và bền vững, phải là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; phát triển TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới; xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM… Cùng với đó là phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ, nâng mức chuẩn nghèo của thành phố cao gấp 2 lần so với chuẩn chung của cả nước.

Sông Sài Gòn đoạn qua khu vực Ba Son, trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sông Sài Gòn đoạn qua khu vực Ba Son, trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quy hoạch của TPHCM sẽ tiếp tục theo hướng đa trung tâm, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông, logistics, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng, thúc đẩy liên kết vùng và các khu vực, địa phương của cả nước.

Nghị quyết xác định ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Đây cũng là một bước cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ - cực tăng trưởng của cả nước.

Đặc biệt, Nghị quyết 31 mở đường cho việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phép thành phố thí điểm chính sách mang tính đột phá để chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư phát triển. TP giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo, tạo nguồn lực đầu tư, phát triển, nâng cao phúc lợi xã hội của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nghị quyết 31 là cơ sở chính trị, tạo tiền đề cho Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những trọng tâm sát thực tiễn TPHCM. Trong đó tạo điều kiện thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cơ chế thành phố trong thành phố vận hành thuận lợi để TP Thủ Đức phát triển như kỳ vọng.

Trong đó cho phép HĐND TPHCM quyết định việc giao một số nhiệm vụ thuộc chức năng của sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức và thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức… Nghị quyết 31 cũng nói rõ việc cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

Trách nhiệm triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 31 đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM là rất lớn, trước hết là khẩn trương xây dựng chương trình hành động, gắn kết thực hiện Nghị quyết 24 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống cách mạng, anh hùng, đi đầu đổi mới, năng động, sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước.

Để đi vào cuộc sống, Nghị quyết 31 cần được thể chế hóa thành chính sách pháp luật. Vấn đề đặt ra là, TPHCM sẽ hết sức chủ động đề xuất, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương, trước mắt là nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, và trong quá trình cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy nhanh việc phân cấp, phân quyền, khắc phục cơ chế xin - cho, thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và cả nước.

* Bà HOÀNG THỊ LỢI, cán bộ hưu trí phường Bến Nghé, quận 1:

“Bảo bối” để TPHCM phát triển vượt trội

Nghị quyết 31 vừa được Bộ Chính trị ban hành có vai trò như “bảo bối” giúp thành phố phát triển vượt trội trong bối cảnh hiện nay với 6 nhiệm vụ, giải pháp. Dù vậy, việc triển khai đưa Nghị quyết 31 vào thực tiễn như thế nào lại là một vấn đề rất lớn.

Thời gian qua, TPHCM chưa sử dụng hết nguồn tài sản vô giá của mình, đó là trí tuệ. Để thực hiện đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 31, thành phố cần mạnh dạn lựa chọn, đề bạt, phân công cán bộ trẻ có kiến thức, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ mọi nguồn đào tạo và bố trí phụ trách các lĩnh vực quan trọng của thành phố. Khi có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển thì mới đủ sức để đưa các chiến lược vào thực tiễn cuộc sống, đạt được mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, khi xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết 31 thì TPHCM xây dựng kế hoạch đồng bộ với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó thành phố sẽ nâng tầm quy hoạch tổng thể phát triển đô thị xanh, đột phát về hạ tầng liên kết vùng để kinh tế phát triển mạnh mẽ.


* Ông LÊ NGỌC LÂM, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ

Doanh nhân Việt Nam - Nhật Bản tại TPHCM: Phát huy hiệu quả nội lực

Để TPHCM phát triển nhanh và bền vững, theo tôi, thành phố phải có giải pháp để phát huy hiệu quả nội lực và tận dụng được tiềm năng ngoại lực. Trước hết, thành phố phải xây dựng cho được nền kinh tế xuất siêu. Muốn vậy phải xây dựng các “điểm tựa kinh tế” ở nước ngoài, nhất là trong các nước G7 và G20.

Có thể xem các “điểm tựa kinh tế” này như các văn phòng đại diện của thành phố tại các nước, được điều hành bởi những người có năng lực, uy tín và được pháp luật nước sở tại công nhận. Khi đó sẽ dễ dàng tiếp cận, đặt mối quan hệ, quy tụ được các doanh nghiệp nước ngoài, nắm nhu cầu của họ và tương tác với các doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu hàng Việt Nam.

Đây là vấn đề mấu chốt, là chìa khóa để lan tỏa thông tin, tiếp thị hàng hóa Việt Nam ra thế giới, cũng như giới thiệu các dự án trong nước để doanh nghiệp nước ngoài biết đến và tham gia đầu tư.


* Ông HOÀNG MINH TRÍ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM:

Bước tiến mới trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch

Trong các nghị quyết trước đây của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM khi nói về “Công tác quy hoạch” chỉ chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch mà ít nói tới quản lý và thực hiện quy hoạch.

Do đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch còn xảy ra nhiều sai sót không đúng với nhiều nội dung của quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tại TPHCM đã xảy ra nhiều trường hợp điều chỉnh cục bộ khác hoàn toàn với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch bị phá vỡ này không góp phần làm đô thị phát triển bền vững.

Với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị lần này, với chỉ đạo chi tiết, cụ thể: “Thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch kiến trúc”, hy vọng những bất cập trên sẽ được khắc phục. Muốn thực hiện tốt được chủ trương đúng đắn này, các bộ ngành liên quan cùng thành phố phải triển khai các giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết 31 trong việc giữ nghiêm kỷ cương quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch kiến trúc là sớm ban hành các quy định về được phép trong công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch được cấp thẩm quyền đã phê duyệt, nhất là có biện pháp chế tài khi triển khai thực hiện không đúng quy hoạch được duyệt.

THU HƯỜNG - NGÔ BÌNH - SƠN LÂM ghi

Tin cùng chuyên mục