Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, mấy năm nay có nhiều người bị chó cắn đến chích ngừa bệnh dại, cao điểm nhất là các tháng sau Tết Nguyên đán. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục trường hợp đến chích ngừa.
Một chiều đầu tháng 10-2016, chúng tôi thấy một phụ nữ chở theo 2 con chó phía sau xe đi dạo trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TPHCM). Đến khu vực Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, đột ngột một con nhào xuống tấn công một người bán hàng rong, khiến những người đi đường hoảng loạn. Cũng may, một bệnh nhân đang chống nạng đi mua cháo thấy thế liền vung nạng xua đuổi nên con chó này mới chạy đi. Trong năm qua, đã có nhiều vụ chó tấn công người, trong đó có vụ nạn nhân bị tử vong (ở Thanh Hóa, Hải Dương).
![]() |
Có nhiều chó thả rông ở cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM
Chị Mai Khánh Lan (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) bức xúc phản ánh, mới đây gia đình chị và hàng xóm cự cãi nhau bởi nhà này nuôi chó nhưng không xích, chó tấn công con gái chị khiến bé bị thương ở chân và tinh thần hoảng loạn. Chị Dương Minh Nga (ngụ quận 9) lo lắng: “Chó mình nuôi, mình chăm sóc còn có khi bị chó cắn, vậy mà rất nhiều người nuôi chó mà không quan tâm đến yếu tố an toàn cho mọi người xung quanh. Họ thả rông chó ra đường không khác gì chó hoang, có nhiều nhà mỗi ngày đều cho chó ngồi lên xe máy đi dạo, không dây xích, không rọ mõm. Bình thường nó hiền đấy, nhưng ai biết những lúc nó lên cơn, cắn người thì sao trở tay kịp”.
Quả thực thời gian gần đây, chó thả rông xuất hiện nhiều, từ đường lớn tới ngõ hẻm, từ khu dân cư cũ đến khu dân cư mới. Có nhiều nơi chó đi thành từng đàn 4 - 5 con nên rất hung dữ, mỗi khi có người đi ngang qua là nhảy xổ vào tấn công. Tương tự, các gia đình ở xung quanh Bệnh viện Ung bướu TPHCM, khu vực đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) cũng nuôi chó rất nhiều, có gia đình nuôi tới 5 con chó, đều thả rông ra đường.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM, định kỳ hàng quý, chi cục đều gửi văn bản xuống các phường, xã yêu cầu tổng hợp những nơi có chó thả rông để tổ chức bắt và tiêm phòng. Ở khu vực ngoại thành, chi cục phối hợp với sinh viên Đại học Nông Lâm đi tới các địa phương để tiêm phòng cho chó. Ông Phát nhận định, so với những năm trước thì thời gian này, số lượng chó nuôi nói chung và chó thả rông nói riêng có xu hướng giảm. Một phần vì người dân có ý thức hơn, phần vì nhiều nơi giải tỏa để xây chung cư cao cấp, ban quản lý thường yêu cầu các hộ dân cam kết không nuôi chó.
PHƯƠNG UYÊN