Làng lưới đăng Bích Đầm

Lưới đăng - một trong những nghề biển lâu đời nhất của ngư dân miền Trung. Thời lưới đăng hưng thịnh, ngư dân ai làm nghề đều có cuộc sống ấm no, thậm chí giàu lên. Nay dù nghề có thăng trầm nhưng khát khao vươn khơi của ngư dân vẫn cháy bỏng. Làng lưới đăng ở đảo Bích Đầm là một trong những số đó.
Làng lưới đăng Bích Đầm

Lưới đăng - một trong những nghề biển lâu đời nhất của ngư dân miền Trung. Thời lưới đăng hưng thịnh, ngư dân ai làm nghề đều có cuộc sống ấm no, thậm chí giàu lên. Nay dù nghề có thăng trầm nhưng khát khao vươn khơi của ngư dân vẫn cháy bỏng. Làng lưới đăng ở đảo Bích Đầm là một trong những số đó.

Nghề xưa trên đảo

Bích Đầm nằm xa bờ nhất trong số gần chục làng đảo của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Từ cảng Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, chỉ mất khoảng 2 giờ đi ghe mới đến Bích Đầm. Làng chài Bích Đầm nằm vươn ra trên những doi đất núi Hồng, thuộc đảo Hòn Tre - một trong những địa danh du lịch bậc nhất Khánh Hòa hiện nay. Làng Bích Đầm có hơn 220 hộ với hơn 1.000 dân sinh sống, đa số chuyên nghề lưới đăng. Theo tài liệu, Bích Đầm là nơi có nghề lưới đăng lâu đời nhất ở Khánh Hòa. Theo gia phả làng đảo Bích Đầm, nghề lưới đăng hình thành từ đời vua Gia Long thứ 7 (1809). Cụ tổ của nghề lưới đăng Bích Đầm là người gốc Bình Định, đến khai phá vùng đảo này và sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đầm đăng. Đã mấy trăm năm, nghề lưới đăng vẫn được các hậu sinh giữ gìn, lưu truyền tới hôm nay. Cụ Võ Lắm, một trong những “cao thủ” của nghề lưới đăng cho biết, từ khoảng tháng chạp đến tháng 5 âm lịch hàng năm, lúc này, các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá bò từ vùng biển phía Nam di cư lên phía Bắc thường đi dọc theo chân các gành đảo ở vùng lộng (vùng biển cách bờ 6 hải lý). Nắm bắt được đặc điểm này, cụ tổ của nghề lưới đăng làng Bích Đầm đã sáng kiến ra nghề lưới đăng.

Ngư dân Khánh Hòa chuẩn bị ngư cụ hành nghề lưới đăng

Theo những lão ngư trên đảo Bích Đầm, nghề lưới đăng thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng thực sự để đánh bắt được nhiều hay ít cá đều phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ thuật của người chỉ huy giàn đăng. Nghề này có quy mô lớn, lao động nhiều, sản lượng cao nhưng không phải di chuyển giàn lưới mà chỉ cắm, đón lõng ở những nơi cố định chờ cá đến. Đồ nghề gồm 5 giàn lưới khác nhau: lưới lưng, lưới rọ, lưới tráng, lưới hom, lưới bửng; đó là chưa kể tới giàn lưới rút để sẵn trên thuyền. Để giăng lưới, người ta phải kết bè, trải nạp trên mặt nước, giằng chì dưới đáy và thả nhiều neo để giữ giàn lưới đứng vững. Khi phát hiện đàn cá đã lọt vào, chỉ cần tung lưới rút xuống là đàn cá nằm trong đăng bị tóm gọn. Nói về hiệu quả của nghề, cụ Võ Lắm tự hào cho biết thêm, nghề lưới đăng tuy khó làm, nhưng khi đã nắm và đón được đàn cá di chuyển, ngư dân có thể “hốt” những mẻ cá lớn, có khi tàu thuyền chở không hết. Vậy nên, ngư dân trên đảo Bích Đầm thường có cuộc sống khấm khá hơn các làng đảo khác.

Khát vọng vươn khơi

Nghề lưới đăng cũng như bao nghề khác, có lúc thăng hoa nhưng cũng có khi thất bát. Ngư dân Nguyễn Ngọc Hiền (đảo Bích Đầm) cho biết, những năm qua, do hải lưu thay đổi cùng với những biến đổi thất thường của khí hậu, nghề lưới đăng cũng thăng trầm vì quy luật đàn cá đi lại đã có thay đổi. Ấy vậy nên, nghề lưới đăng thất bát là chuyện xảy ra thường xuyên.

Tuy giữa những bộn bề khó khăn, các sở đăng quanh làng đảo Bích Đầm vẫn ngày ngày bám biển. Nghề lưới đăng là một loại hình khai thác thủy sản thân thiện với môi trường sinh thái. Bởi đặc điểm cấu tạo của lưới đăng chỉ đánh bắt những loài cá có kích thước lớn, không mang tính tận diệt. Nhưng buồn thay, nghề lưới đăng nay khó kiếm sống trong các vùng lộng nữa, mấy năm nay ngư dân đang bàn cách đem nghề ra tận Trường Sa, Hoàng Sa để bắt cá. Bởi theo họ, hình thức đánh bắt chính ở Trường Sa, Hoàng Sa bây giờ là câu, lặn... rất nguy hiểm, còn với lưới đăng, sau khi tìm hiểu kỹ con nước, luồng cá thì có thể đóng đăng ở đây. Với nguồn lợi thủy sản dồi dào ở các vùng biển này, nghề lưới đăng sẽ trúng lớn. Nhưng khó thay, muốn vươn khơi, ngư dân lưới đăng buộc phải có nhiều vốn đầu tư ghe tàu có công suất lớn và lưới cụ làm nghề. Cùng với đó, các chi phí về xăng dầu, tiền công lao động, giá cả sinh hoạt ngày càng tăng như hiện tại sẽ rất khó để thực hiện được.

Nghề lưới đăng hiện do Nhà nước quản lý hoạt động, nhưng lâu nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để hỗ trợ nghề này. Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Khánh Hòa, cho biết: Lưới đăng là nghề truyền thống của nhiều ngư dân Khánh Hòa, nhưng những năm gần đây, người làm lưới đăng gặp rất nhiều khó khăn, có khi sản lượng khai thác giảm 40%-50%. Để giữ gìn và phát huy nghề này, ngư dân rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn, tránh tình trạng người dân phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Cùng với đó, chính sách thuế đối với nghề này cần được quan tâm hơn, có thể giảm, miễn thuế cho họ để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề phát triển. Có thế, họ mới tự tin vươn khơi.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục