Lắng nghe và phản biện

Lâu nay đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo Sài Gòn Giải Phóng được bạn đọc tin tưởng là nhờ biết lắng nghe và luôn độc lập, khách quan trong phản biện xã hội.
 Phóng viên Báo SGGP tiếp bạn đọc, tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: NGÔ KIẾM
Phóng viên Báo SGGP tiếp bạn đọc, tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: NGÔ KIẾM
Lâu nay đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo Sài Gòn Giải Phóng được bạn đọc tin tưởng là nhờ biết lắng nghe và luôn độc lập, khách quan trong phản biện xã hội. Không chỉ viết báo, chúng tôi còn làm cầu nối, tìm điểm chung hòa giải cho mọi sự bất đồng đi đến thống nhất. 

Lắng nghe…

Năm qua, sau vụ án quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh do Báo SGGP phát hiện đã “cứu” 2 con người thoát khỏi tù tội, rất nhiều bạn đọc trên cả nước mang hồ sơ tìm đến Báo SGGP. Câu đầu tiên gặp mặt luôn là “chúng tôi bị oan giống quán cà phê Xin Chào”. Và khi niềm tin bạn đọc gửi gắm càng nhiều, chúng tôi ý thức trách nhiệm của mình càng lớn. Dù Báo SGGP có mời các luật sư tiếp dân 3 buổi/tuần, nhưng nhiều người dân vẫn muốn gặp nhà báo. Truyền thống của Báo SGGP là toàn cơ quan chào cờ đầu tuần, nên chúng tôi - nhà báo - sau khi chào cờ xong, dành buổi sáng thứ hai để tiếp dân. 

Tuy nhiên, khi tiếp xúc, không phải vụ việc nào cũng oan, cũng như không phải việc nào cũng có thể đăng tin, bài. Có trường hợp bác này bị người khác tranh chấp, tòa mời bác không chịu đến, bác nói rằng “đất của tôi, tôi sống trên đó thì không việc gì phải sợ”, rồi sau đó tòa xử vắng mặt, bác bị thua nên đi kêu oan. Có trường hợp, bị thua kiện, dù trong quyết định giải quyết khiếu nại ghi rõ thời gian được quyền khiếu nại lên cấp trên nhưng người dân không khiếu nại tiếp mà làm đơn tố cáo cán bộ xử ép mình. Chúng tôi giải thích rằng luật khiếu nại và luật tố cáo là hai luật riêng, nên đơn tố cáo không thể thay thế cho đơn khiếu nại. Do vậy, nếu hết thời hạn được quyền khiếu nại tiếp mà không thực hiện thì quyết định đó có hiệu lực, các bên buộc phải thực hiện. Nhờ giải thích rõ, chúng tôi đã giúp bà con đã không tự truất bỏ quyền tiếp tục khiếu nại của mình.

Làm cầu nối

Lúc nào cũng thế, tiếp nhận phản ánh của dân, công việc của chúng tôi là phải nắm thông tin hai chiều, theo nguyên tắc: một nửa sự thật chưa phải là sự thật.

Không ít vụ chúng tôi phải ngồi hàng giờ nghe bà con kể. Có cả trường hợp cơ quan chức năng áp dụng đúng luật nhưng bên thua vẫn cứ nghĩ rằng cán bộ đã “ăn” đầu kia nên xử ép mình. Sau khi nắm tường tận vụ việc, chúng tôi nói rõ: “Rất chia sẻ với gia đình, về tình thì gia đình đúng, nhưng về lý thì cán bộ đã áp dụng đúng luật”, và chúng tôi dành thời gian giải thích các quy định pháp luật để dân thấu hiểu. Khi hiểu, bà con mới giải tỏa ấm ức trong lòng. Chúng tôi nhận ra rằng, dù cơ quan chức năng xử lý đúng, nhưng do thiếu giải thích nên bên thua không hiểu thấu đáo, đâm ra nghi hoặc.

Một buổi sáng nọ cả nhóm tiểu thương kéo đến tìm nhà báo để phản ánh bức xúc về những tranh chấp với ban quản lý chợ. Buổi chiều, ban quản lý chợ cũng tìm chúng tôi. Không bên nào chịu bên nào. Cuối cùng hai bên mời nhà báo xuống nghe và phân xử. Chúng tôi phải nói rõ, báo chí không phải là cơ quan giải quyết khiếu nại. Nhưng các bên cứ nhất quyết đòi nhà báo phải đến nghe và cho ý kiến. Sau khi nghe các bên trình bày, chúng tôi giải thích cho tiểu thương hiểu rằng ban quản lý chợ có quyền quy định thời gian kinh doanh, thời gian làm vệ sinh chợ, đồng thời chúng tôi cũng thuyết phục ban quản lý chợ là không chỉ làm nhiệm vụ “quản lý”, mà phải “tạo điều kiện” tốt nhất để tiểu thương kinh doanh. Tôi đề nghị các bên dung hòa quyền lợi, cuối cùng đã đi đến thống nhất trong vui vẻ.

Và phản biện

Nếu luật sư bảo vệ cho thân chủ, đứng trên góc nhìn của thân chủ thì chúng tôi - những người làm báo - đòi hỏi sự khách quan, nên chúng tôi đọc hồ sơ với “con mắt” của bên thứ ba, độc lập, khách quan, để nhìn nhận toàn bộ vấn đề. Trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội cũng cung cấp các thông tin trái chiều. Như vậy, đòi hỏi nhà báo thời đại mới phải có đủ bản lĩnh, trình độ, nhận thức để khi đặt bút viết phải chính xác và thuyết phục được dư luận. Do vậy, khi xử lý vấn đề, bài báo, chúng tôi dựa trên pháp luật. Đó là lý do những bài viết của Báo SGGP luôn có phản hồi tốt. 
Để tăng tính độc lập, tính phản biện cho mình, đội ngũ những người làm Báo SGGP đã không ngừng lắng nghe, học hỏi, tự trao dồi kiến thức để nâng cao trình độ của mình. Cán bộ tòa soạn dù rất bận rộn nhưng vẫn sắp xếp thời gian học lên cao học, những phóng viên trẻ cũng tự bỏ tiền học thêm bằng hai đại học luật, và tối tối anh em lại gặp nhau ở các trung tâm Anh ngữ… Không chỉ làm báo, chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm xã hội của mình nên không ngừng học hỏi với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa…                  

Tin cùng chuyên mục