Lê Bầu tìm chữ

Nhờ dịch thành công nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, đặc biệt là của nhà văn Giả Bình Ao như: Quê cũ, Thành phố hoa, Hoài niệm sói, Điệu Tần (tức Tần xoang)… mà lâu nay, trên văn đàn, người ta suy tôn Lê Bầu là “nhà Trung Quốc học”, “chuyên gia Giả Bình Ao”. Nhưng trước sau, ông vẫn chỉ nhũn nhặn nhận mình là “thằng phiên dịch”.

Ông bảo bí quyết thành công của mình là “học kỹ, được đi nhiều nơi nên cũng hiểu khá sâu ngôn ngữ Trung Hoa”. Về chuyện dịch thuật, ông nổi tiếng kỹ càng. Cái gì còn nghi ngờ là ông phải tìm hiểu bằng ra, cố gắng Việt hóa thật chuẩn để người đọc dễ hiểu. “Chẳng hạn, gặp một chữ của Giả Bình Ao viết tên một con vật nhỏ sống trong nhà, ông miêu tả là nhiều chân, sống nơi ẩm ướt. Tôi tra vài cuốn từ điển không thấy, hỏi ông bạn thì ông ấy bảo là con sâu đo. Chưa yên tâm tôi lại về tra ngược con sâu đo bằng tiếng Việt sang tiếng Trung thì thấy là chữ kiều trùng (tức là con sâu đi trên cầu). Thấy chưa ổn, tôi lại phải tìm chữ khác và cuối cùng tìm ra đó là con… cuốn chiếu! Không phải lúc nào cũng phải tra từ điển, chỉ những chữ mình cảm thấy dịch nghĩa chưa ưng, khi phát hiện ra được một chữ thì sướng lắm...” - nhà văn Lê Bầu tâm sự.

Bằng Vân

Tin cùng chuyên mục