Lễ hội Dinh Thầy Thím được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Dinh Thầy Thím của tỉnh Bình Thuận đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thế quốc gia.
Ngày 13-1, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận cho biết, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Lễ hội Dinh Thầy Thím của tỉnh Bình Thuận.

Lễ hội Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu, được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Lễ hội đã trở thành nét văn hóa truyền thống của không chỉ riêng người dân địa phương mà còn thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách khắp nơi về tham gia lễ hội.

Lễ hội Dinh Thầy Thím được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1 Lễ hội Dinh Thầy Thím là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận
Diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16-9 (Âm lịch) hằng năm, lễ hội được tổ chức trong không gian văn hóa đặc trưng, đậm nét dân gian với nhiều hoạt động đặc sắc. Phần lễ là một chuỗi các nghi thức truyền thống như: lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia… ghi khắc công đức của Thầy Thím theo truyền thuyết đã cứu giúp dân gian trong lúc hoạn nạn, ốm đau…
Bên cạnh phần lễ, người dân và du khách còn cùng tham gia các hoạt động vui chơi như: hội thi làm bánh, thi đấu cờ người, thi khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá, đan lưới, chương trình tạp kỹ…
Lễ hội Dinh Thầy Thím được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 2  Hàng năm, lễ hội thu hút rất đông người dân và du khách

Lễ hội Dinh Thầy Thím ra đời, duy trì và tồn tại đến ngày nay gắn liền với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím của cộng đồng người dân địa phương.

Thầy Thím là cách gọi thể hiện sự tôn kính của nhân dân đối với hai vợ chồng người đạo sĩ tài đức, giàu lòng nhân ái đã có nhiều công lao cứu giúp người dân nghèo trong cuộc sống. Do không rõ họ tên của vợ chồng người đạo sĩ, nên sau khi họ qua đời, nhân dân địa phương kính cẩn gọi là Thầy và Thím. Để ghi tạc công ơn đó, các thế hệ ông cha ngày trước đã lập dinh thờ Thầy Thím.

Trong những năm gần đây, lượng du khách đến Dinh Thầy Thím ngày càng tăng lên, ước khoảng 600.000 khách/năm. 

Tin cùng chuyên mục