Lễ hội Lam Kinh 2012: Điểm hẹn văn hóa - lịch sử xứ Thanh

Ngày 7-10, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh 2012 nhân kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 584 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 579 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi.
Lễ hội Lam Kinh 2012: Điểm hẹn văn hóa - lịch sử xứ Thanh

Ngày 7-10, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh 2012 nhân kỷ niệm 594 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 584 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và 579 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Vua Lê Lợi đánh thắng giặc ngoại xâm trong lễ hội Lam Kinh 2012.

Biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Vua Lê Lợi đánh thắng giặc ngoại xâm trong lễ hội Lam Kinh 2012.

Phần lễ tái hiện nhiều sự kiện trọng đại và mang đậm nét văn hóa thời Lê. Mở đầu là đoàn rước kiệu Lê Lợi, kiệu Bát cống, kiệu Lê Lai, quân kiệu, quân cờ... xuất phát từ đền thờ vua Lê Thái Tổ về trước sân điện Lam Kinh theo đúng nghi thức cổ truyền về sân rồng Lam Kinh để hành lễ. Điểm nổi bật trong phần lễ chính là những bài chúc văn, tế cáo mang đậm tính nhân văn qua các đời vua Lê truyền lại, đây là nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh trong lễ hội Lam Kinh.

Trước đó, các lễ dâng hương tưởng nhớ anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, tướng sĩ và nhân dân có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được tổ chức tại các địa điểm di tích như: Đền thờ Lê Thái Tổ, xã Xuân Lam; khu lăng mộ Lê Thái Tổ; các tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc); Thái miếu nhà Lê, phường Đông Vệ và tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa), theo nghi thức cổ truyền, bảo đảm nếp văn hóa, văn minh, lành mạnh.

Phần hội diễn ra với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa, trang trọng, gọn nhẹ. Đây cũng là năm đầu tiên ngành văn hóa Thanh Hóa phục dựng và đưa toàn bộ 5 trò diễn Xuân Phả nổi tiếng có tên “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” - được ví như một đỉnh cao của nghệ thuật múa dân gian Việt vào nội dung của lễ hội Lam Kinh với các điệu múa: Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung.

Dịp này, ngành văn hóa Thanh Hóa còn tổ chức nhiều dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với các vùng Tây Đô - Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Sầm Sơn… và các gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch Thanh Hóa. Thông qua lễ hội Lam Kinh 2012, Thanh Hóa quảng bá, thu hút du khách thập phương về với di tích trọng điểm Lam Kinh, làm sống động “Du lịch di sản” trong chương trình “Năm Du lịch quốc gia” các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ - Huế năm 2012 và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh.

Lễ hội Lam Kinh 2012 diễn ra đến hết ngày 8-10.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục