Đến hẹn lại lên, Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào ngày 25-12-2010. Nhân dịp này, Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Thắng (ảnh), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, Trưởng ban tổ chức lễ hội.
- Phóng viên: Xin ông cho biết một số hoạt động chính của Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2010?
- Ông BÙI THẮNG: Trong 3 ngày từ 25-12 đến hết ngày 27-12 sẽ có 3 dạng hoạt động được tổ chức trên cả 4 địa phương Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và Cầu Đất - TP Đà Lạt gồm hoạt động chính, hoạt động phối hợp, hoạt động mở với nhiều chương trình đa dạng.
Hoạt động chính của lễ hội lần này sẽ được ban tổ chức tập trung đầu tư vào các chương trình khai mạc gắn kết với tôn vinh người làm trà vào tối 25-12 tại quảng trường 28-3 của TP Bảo Lộc; hội thảo khoa học với chủ đề “Những biện pháp và điều kiện để ngành trà Việt Nam phát triển” với sự tham dự của các nhà khoa học, những người làm trà và các doanh nghiệp kinh doanh trà; triển lãm “Ngành trà Việt Nam, Lâm Đồng 2010” nhằm giới thiệu sản phẩm trà của Lâm Đồng và các địa phương bạn trong cả nước kết hợp với “Đêm hội uống trà”.
Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật gắn với công bố và trao “Nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm trà B’Lao” vào đêm 26-12, trao kỷ niệm chương cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành trà; chương trình “Diễu hành đường phố” cùng với “Phố trà mến khách” sẽ góp phần tạo cảnh sắc vui tươi, rộn ràng trong dịp lễ hội.
Lễ hội còn có các chương trình hưởng ứng do các doanh nghiệp ngành trà đảm nhận như chương trình tham quan vùng nguyên liệu trà với chủ đề “Hương sắc trà B’Lao”, Hội thi hái trà, chương trình nghệ thuật “Sắc màu Nam Tây Nguyên”, Hội thi “Kiến thức trà và cuộc sống”, Liên hoan “Giọng hát hay xứ trà” và nhiều chương trình khác.
- Nét mới của lễ hội năm nay là gì thưa ông?
- Nếu như không gian lễ hội lần thứ nhất tập trung ở vùng trà Cầu Đất và trên địa bàn Đà Lạt thì đến lần thứ hai, không gian lễ hội lại tập trung ở Bảo Lộc. Đến lần thứ 3 này, dù trung tâm lễ hội vẫn ở Bảo Lộc nhưng đã được chỉ đạo mở rộng tổ chức ở cả 3 địa bàn còn lại làm nghề trà là huyện Bảo Lâm, Di Linh và Cầu Đất (TP Đà Lạt).
- Việc tổ chức lễ hội có tác dụng như thế nào đến thói quen uống trà cũng như thói quen Người Việt dùng hàng Việt?
- Có thể nói rằng, ngày nay trong sự đa dạng của các sản phẩm đồ uống thì trà vẫn luôn hiện diện trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình. Ngoài lợi ích của trà đối với sức khỏe con người, ấm nước trà vẫn như một chiếc cầu nối quan trọng cho sự giao tiếp xã hội. Việc tổ chức lễ hội văn hóa trà ở Lâm Đồng không chỉ nhằm mục đích tôn vinh những người làm trà, quảng bá cho các sản phẩm trà của địa phương, giao lưu, hợp tác phát triển nghề trà mà còn góp phần hình thành một nếp sinh hoạt uống trà trong người dân, nhất là trong giới trẻ.
Điều đó được thể hiện khá rõ trong những điểm uống trà của các doanh nghiệp trên địa bàn khi mà ngày càng có sự hiện diện đông đảo bạn trẻ góp phần quan trọng vào sự hình thành thói quen dùng hàng Việt của người Việt. Nếu như sản phẩm thức uống khác như cà phê, nước giải khát, bia rượu… có sự xuất hiện của khá nhiều thương hiệu nước ngoài thì trà Việt với các thương hiệu Việt vẫn giữ vị trí bản sắc của nó. Vì vậy vấn đề người Việt dùng trà Việt chắc chắn phải là một khẳng định.
- Thông qua lễ hội, ban tổ chức muốn gửi gắm điều gì đến du khách?
- Với vị trí thuận lợi nằm trên quốc lộ 20, nối liền TPHCM với TP Đà Lạt thơ mộng, Bảo Lộc với khí hậu mát mẻ thuận lợi cho hoạt động nghỉ dưỡng đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động KT-XH gắn với mời gọi, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển du lịch đưa Bảo Lộc trở thành một trung tâm công nghiệp và du lịch thứ hai của tỉnh.
Hàng năm, địa phương thường xuyên đón tiếp một lượng lớn khách du lịch dừng chân, nghỉ ngơi, mua sắm các đặc sản của vùng Bảo Lộc, trong đó có sản phẩm trà, ban tổ chức mong muốn trong dịp Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng lần 3 này sẽ có nhiều lượt du khách hơn nữa tham dự vào các hoạt động của lễ hội cũng như vào các dịp khác trong năm để hiểu hơn về vùng đất trà, về những con người đã luôn gắn bó với nghề trà và về một TP trẻ của tỉnh Lâm Đồng năng động, hiếu khách này.
VĂN PHONG (thực hiện)