Lên núi tìm người đẹp

Lên núi tìm người đẹp

Sau nhiều tháng chuẩn bị, Festival hoa Đà Lạt 2007 lại có dịp khoe sắc. Hoa tràn ngập trên đường phố, trong các công viên và một không khí rộn ràng đang bao trùm lên các làng hoa truyền thống. Ngoài nhân vật chính là hoa thì điều mà người dân lẫn du khách đang rất háo hức chính là vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất. Ai sẽ đăng quang ngôi hậu giữa thành phố hoa, tất cả phải chờ đến đêm 21-12.

Lên núi tìm người đẹp ảnh 1

Rạng rỡ giữa phố hoa.
Ảnh: NAM VIÊN

Chiều 11-12, 48/52 thí sinh đã có mặt tại resort Hoàng Anh Gia Lai để chuẩn bị cho cuộc tranh tài người đẹp chính thức cuối cùng trong năm và phải vượt qua trở ngại đầu tiên là thời tiết, vừa lạnh, vừa khô của mùa khô cao nguyên. Tuy có một số thí sinh chưa quen với tiết trời mùa đông Đà Lạt nhưng nhìn chung đều rạng rỡ và tươi tắn trong sắc phục dân tộc Kinh, K’Ho, Khmer, Lô Lô, Mường, Ê Đê… vì được góp mặt trong vòng chung kết giữa một rừng hoa, giữa thiên nhiên tươi đẹp và trong lành.

Thí sinh Lò Thị Keng (dân tộc Lô Lô, 23 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc) bẽn lẽn: “Đây là lần đầu tiên em tham gia một cuộc thi sắc đẹp và thấy rất vui, tự hào”. Chiều 12-12, khi xe chở các người đẹp đổ bộ bên bờ hồ Xuân Hương để các thí sinh xếp thành vòng tròn cùng nhau ca hát cũng không có nhiều phiền phức bị quấy rầy hay có biểu hiện không đẹp. Người Đà Lạt vốn thế. Mến khách và thanh lịch nhưng không quá ồn ào.

So với các cuộc thi người đẹp ở miệt đồng bằng, thí sinh dự tranh danh hiệu hoa hậu các dân tộc ngay trong 2 ngày đầu tiên sẽ phải trải qua các thử thách đầu tiên liên quan đến các kỹ năng đi bộ dã ngoại ở thác Prenn, leo núi Lang Biang, đua xe đạp bên hồ Xuân Hương hay là tập thiền vào sáng sớm. Để đạt các danh hiệu phụ như hoa hậu sơn cước, hoa hậu tài năng, hoa hậu các thí sinh vừa phải biết “cười cùng hoa” vừa phải có sự khỏe mạnh, dẻo dai và cả kỹ năng đi bộ, leo núi để hoàn tất tốt các phần thi, diễn từ lúc 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Thí sinh Trương Thị May (dân tộc Khmer, từ An Giang) cho biết đến với cuộc thi này cô rèn luyện được nhiều phẩm chất, năng động hơn và trong đó có khả năng múa – một sản phẩm văn hóa không thể thiếu của một phụ nữ Khmer vùng đất Nam bộ.

Lên núi tìm người đẹp ảnh 2

Khi người đẹp cưỡi ngựa.

So với một số cuộc thi người đẹp khác trong năm thì cuộc thi hoa hậu này được chuẩn bị khá chu đáo và là một trong những cuộc thi người đẹp được lên kế hoạch ngay từ đầu năm với những tiêu chí rất rõ ràng, riêng biệt. Ngoài nét đẹp hình thể, văn hóa thì đó chính là màu sắc dân tộc phải thật đậm nét ngay từ trang phục bên ngoài. Và chính sự đa dạng về văn hóa của 48 thí sinh đại diện cho 24 dân tộc làm nên sắc thái riêng biệt cho cuộc thi.

Dù đại diện cho dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng nhiều thí sinh đã có được một trình độ học vấn khá không thua kém các bạn gái ở các cuộc thi người đẹp khác. Đó cũng là nét đáng quý bởi nét đẹp hình thể suy cho cùng vẫn phải xếp sau nét đẹp tâm hồn, trí tuệ và chính đó là tiêu chí để Ban tổ chức cuộc thi chọn ra người đẹp nhất giữa một rừng người đẹp.

Ai sẽ đăng quang hoa hậu các dân tộc Việt Nam giữa ngập tràn sắc hoa vây quanh? Thật khó dự đoán nhưng với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, dư luận hy vọng Ban tổ chức sẽ chọn ra được những người đẹp xứng đáng nhất để khép lại một năm bùng nổ thi hoa hậu với những dư âm tốt lành.

Văn Phong

Tin cùng chuyên mục