Liên đội 7 và những năm tháng hào hùng

Nhắc đến núi Bà Đen (Tây Ninh), nhiều người biết đến là nơi có khu du lịch quốc gia với hệ thống cáp treo hiện đại và quần thể chùa chiền, tượng Phật bề thế, nhưng ít ai biết nơi đây từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân dân ta và địch trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong đó, phải kể đến Liên đội 7 trinh sát (Phòng quân báo miền) đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh miền.

Lấy hang đá làm nhà

Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Trần Tắc (tên khác là Trần Lê, quê huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), năm nay đã 92 tuổi, hiện ngụ xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, nguyên là Chính trị viên của Liên đội trinh sát ngay từ ngày đầu thành lập, để nghe ông kể về 4.806 ngày đêm cùng đồng đội sống, chiến đấu gian khổ trên sườn núi Bà Đen.

XHH 7C.jpg
Tham quan, chụp ảnh lưu niệm Nhà bia tưởng niệm trên sườn núi Bà Đen

Ông Trần Lê nhớ lại, năm 1962, Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từ chiến khu Đ (thuộc tỉnh Đồng Nai) chuyển về Tây Ninh. Lúc đó, các đồng chí lãnh đạo xác định ở miền Đông Nam bộ có núi Bà Đen cao nhất, có nhiều lợi thế về quân sự; từ trên đỉnh núi có thể quan sát được mọi hoạt động ở khu vực phía Tây Bắc Sài Gòn và căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Do đó, ngày 20-2-1962, Đội trinh sát được thành lập với quân số 14 người, lấy phiên hiệu A14, do ông Trần Lê làm Chính trị viên.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ lập đài quan sát theo dõi mọi diễn biến hoạt động của địch đánh vào căn cứ của miền, chiến đấu chặn bước tiến của địch; tổ chức mạng lưới quân báo nhân dân để nắm tình hình của địch tại khu vực thị xã Tây Ninh và vùng phụ cận; chuẩn bị đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men để chiến đấu và công tác lâu dài; khi địch đánh hoặc bị bao vây có thể đánh trả, cầm cự tối thiểu được từ một đến hai tháng”, ông Trần Lê kể.

Đội trinh sát đến khu vực Yên Ngựa ở núi Phụng (thuộc khu vực núi Bà Đen) xây dựng căn cứ. Mỗi người tự tạo cho mình một cái hang để ở, dự trữ lương thực, thực phẩm. Hầu hết các hang đều thông với nhau để các chiến sĩ hỗ trợ khi chiến đấu. Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn và có thời điểm bị địch bao vây suốt 2 tháng, chiến sĩ phải mình trần bò xuống suối bắt cá, hái rau, vào hang động bắt thằn lằn núi, ốc núi để cầm cự. Đội trinh sát còn được sự giúp đỡ của người dân địa phương. Thường khi làm đồng, người dân đem theo 1 lon gạo nấu cơm, nhưng bà con chỉ nấu nửa lon, số gạo còn lại đổ vào hũ, giấu trong ruộng rồi báo cho chiến sĩ trinh sát biết. Người dân ở các xã Phan, Suối Đá (huyện Dương Minh Châu) còn cho cá khô và muối.

Nhiều chiến công hiển hách

Tháng 1-1964, Đội trinh sát được tăng cường thêm 2 tiểu đội, đổi phiên hiệu là C14 và đến tháng 3-1969, C14 được tăng cường 1 trung đội khác, đổi tên là Liên đội 7. Thời điểm đó, Liên đội 7 hoạt động rất mạnh, các hoạt động quân sự của địch như di chuyển bộ binh, xe tăng, xe quân sự, trọng pháo đều bị các chiến sĩ phát hiện. Vì thế, quân địch quyết tâm tiêu diệt căn cứ này bằng mọi giá, tổ chức nhiều trận đánh lên quần thể núi Bà Đen. Cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, trong đó có trận đánh kéo dài từ ngày 7 đến 9-3-1970.

Rạng sáng 7-3-1970, 12 lượt máy bay B52 của địch thả hàng ngàn tấn bom, bắn pháo cấp tập, sau đó rải chất độc hóa học bao trùm vùng núi. Máy bay trực thăng còn liên tục phóng loa kêu gọi chiêu hồi. 7 giờ cùng ngày, chúng bắt đầu tấn công bằng bộ binh. Khi tốp lính đầu tiên đến sát chân núi, Liên đội 7 nổ súng, hạ 1 xe tăng M113 và diệt phần lớn tốp lính đi đầu, buộc chúng rút lui, tổ chức lại đội hình.

Cùng lúc, lực lượng biệt kích dù của Mỹ trên đỉnh núi đánh thẳng xuống sườn núi, nhưng vì đã dự kiến nên Liên đội 7 phục kích, bẻ gãy các mũi tấn công của địch. 2 ngày sau, địch tiếp tục dùng bom, pháo và bộ binh tấn công mỗi ngày 4-5 đợt. Sau 3 ngày chiến đấu, Liên đội 7 hy sinh 2 người, bị thương 2 người nhưng đã tiêu diệt 87 tên địch, bắn rơi 3 trực thăng, bắn cháy 3 xe tăng M113, thu được nhiều vũ khí đạn dược và chiến lợi phẩm. Sau những trận thua này, quân địch không còn tổ chức tấn công lên sườn núi nữa.

Suốt nhiều năm liền với tổng cộng 4.806 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 đã đánh hơn 30 trận; tiêu diệt và làm bị thương 1.941 tên địch; bắn rơi 8 máy bay trực thăng, phá hủy 56 xe quân sự, thu nhiều vũ khí đạn dược và đồ dùng quân sự. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Liên đội 7 đã được Bộ Tư lệnh miền trao tặng Huân chương Chiến công hạng 2, danh hiệu “Đơn vị dũng sĩ diệt Mỹ”; 5 Huân chương Chiến công hạng 3 cho 5 cán bộ, chiến sĩ; được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2022, UBND tỉnh Tây Ninh đầu tư xây dựng trên sườn núi Phụng nhà bia tưởng niệm để ghi nhớ công lao hơn 40 cán bộ, trinh sát Liên đội 7 đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nơi đây còn xây dựng nhà đón khách, bia tưởng niệm, trở thành điểm về nguồn của nhiều thế hệ trẻ vào những ngày lễ, tết.

Tin cùng chuyên mục