Liên kết cả “ngược” lẫn “xuôi” đều yếu

Mặc dù đã thu hút nhiều đầu tư nước ngoài (FDI), song mối liên kết cả “ngược” lẫn “xuôi” giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nhận xét tại cuộc hội thảo "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra ngày 5-12 tại Hà Nội.

Đơn cử, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn xếp ở vị trí thấp (90/100).

nguyen-quoc-viet-vepr-6173.jpeg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP)

Trong đó, công nghệ nền tảng đứng thứ 92/100; năng lực đổi mới sáng tạo thứ 77/100; FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100 (World Economic Forum 2019). Tỷ lệ sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi các nước trong khu vực đạt tới 80%; thấp như Philippines cũng chiếm 50%.

Ba nhóm ngành có liên kết mạnh mẽ nhất là: dược phẩm, hóa dược và các sản phẩm thực vật; sản phẩm khoáng phi kim loại khác; và xe cơ giới, rơ moóc và sơ mi rơ moóc. Liên kết sau giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mạnh mẽ nhưng nổi bật nhất ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ, trong khi liên kết giữa các doanh nghiệp FDI khá mờ nhạt và chỉ tập trung vào một số ngành như dược phẩm, sản phẩm giấy, cao su và sản phẩm nhựa.

“Nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại, nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu”, TS Nguyễn Quốc Việt khái quát.

xuat-sieu-5995.jpeg

Nhóm ngành cơ bản (ngành cấp 1) có tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam không chỉ phản ánh thực tế Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới của các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và các sản phẩm thủy sản mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Nhóm ngành dịch vụ (ngành cấp 3) chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam, chiếm 34% trong năm 2017.

Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo (ngành cấp 2) khá khiêm tốn, chỉ chiếm 25% năm 2017 mặc dù nhóm ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ xuất khẩu của Việt Nam.

Sự bất đối xứng giữa tỷ trọng đóng góp vào tổng xuất khẩu và tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của nhóm ngành chế biến chế tạo phản ánh thực tế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng thấp, và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đủ khả năng cung cấp cho các nhà sản xuất FDI định hướng xuất khẩu.

Về những thách thức đến từ việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024 tới đây, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực.

Quan trọng không kém, các động lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng, năng lượng tái tạo hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số cũng sẽ gặp không ít thách thức.

Đề xuất chính sách thu hút FDI trong bối cảnh mới, các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc rà soát toàn bộ hệ thống pháp lý thu hút/ưu đãi đầu tư; xử lý tốt bài toán hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư... đặc biệt là các quy định về chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Cùng với đó là tạo ra sự kết nối giữa các vùng, thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo các chuỗi liên kết...

Tin cùng chuyên mục