Linh hoạt sản xuất để giữ chân đối tác

18% đơn hàng của doanh nghiệp (DN) châu Âu đã dịch chuyển khỏi Việt Nam. Trước đó, nhiều DN FDI lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã thông báo đến các DN Việt sản xuất sản phẩm hỗ trợ về việc dời một số đơn hàng sang các nước lân cận. Để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, DN Việt đã áp dụng nhiều giải pháp để duy trì sản xuất. 
Sản xuất dây cáp điện xuất khẩu tại Công ty Nissei Electric trong KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất dây cáp điện xuất khẩu tại Công ty Nissei Electric trong KCX Linh Trung 1, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG

Chủ động kết nối nguồn cung

Nói cụ thể về vấn đề này, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết, việc duy trì ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất đang là giải pháp sống còn cho DN.

Trên cơ sở đó, Công ty Cơ khí Duy Khanh đã chủ động kết nối nguồn cung cũng như dự phòng thời gian cung ứng nguyên liệu dài hơi hơn. Thay vì trước đây, công ty chỉ dự phòng nguyên liệu sản xuất cho 3 tháng thì nay tăng lên 6 tháng, thậm chí phải gối đầu đơn đặt hàng nguyên liệu để tránh rủi ro. Công ty cũng phải thay đổi phương thức giao hàng theo hướng chia nhỏ và giao nhiều lần để chủ động hơn. 

Hiện nhiều DN đang gặp khó do công nhân không đồng ý ở lại nhà xưởng thực hiện “3 tại chỗ”. Chưa kể, ở nhiều DN dù đã thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” vẫn có công nhân bị mắc Covid-19. Trong khi đó, an toàn để sản xuất là vấn đề cốt tử của DN nên để giải quyết khó khăn này nhiều DN đã chủ động tăng cường y tế tại chỗ như mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập đường dây liên lạc với y tế địa phương để có thể kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Thậm chí, không ít DN đã đầu tư cả trạm y tế tại chỗ có trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ y tế, phòng cách ly và thuốc điều trị Covid-19 để nhanh chóng bóc tách, điều trị F0; nhà máy tái hoạt động ngay sau khi đã được khử khuẩn. 

Quan tâm, lắng nghe ý kiến của công nhân và gia đình họ để có giải pháp tổ chức sản xuất hợp lý cũng là cách nhiều DN đang thực hiện để ổn định đội ngũ.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, kinh nghiệm từ việc duy trì ổn định sản xuất của công ty từ tháng 5 đến nay cho thấy, việc phòng chống dịch phải đồng bộ từ nhà máy đến cán bộ nhân viên. Các quyết định đều được xem xét trên cơ sở thực tế gia đình của công nhân. Và cuối cùng là kiểm duyệt chặt nguồn tiếp xúc từ nhà cung cấp.

Cũng theo ông Lê Văn Quang, ngoài việc nhà máy duy trì phun khử khuẩn sau mỗi ca làm việc, cán bộ nhân viên công ty phải tuân thủ tuyệt đối 5K và họ có trách nhiệm vận động gia đình tuân thủ 5K. Riêng với nhà cung cấp, tài xế phải test Covid-19, âm tính mới được chở hàng tới nhà máy của công ty. Khi đến nhà máy, tài xế phải ngồi trong cabin và chỉ ra ngoài trong khu vực được công ty bố trí riêng.

Linh hoạt sản xuất để giữ chân đối tác ảnh 1 May xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG

Giải pháp 7 xanh 

 Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN các KCX - KCN TPHCM cho biết, hiện có nhiều DN đã chủ động thực hiện giải pháp “7 xanh” bao gồm: nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, gia đình xanh, nhà cung cấp xanh, vaccine (xanh) và trạm y tế tại chỗ (xanh). Và kết quả đạt được rất khả quan. 

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc chính quyền địa phương giữ và mở rộng được vùng xanh là điều kiện thuận lợi, thậm chí là điều kiện tiên quyết để DN tái hoạt động sản xuất ổn định. Nhiều DN cho biết, việc tái hoạt động thuận lợi xuất phát chủ yếu từ việc đáp ứng được nhu cầu ăn ở của công nhân. Theo đó, công nhân có thể lựa chọn “ 3 tại chỗ”  hoặc giải pháp “di chuyển xanh” kết hợp “gia đình xanh” sống trong “khu vực xanh”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Bé, hiện một số DN chưa phục hồi được sản xuất, đa phần do chưa có “vùng xanh” ở các khu vực lân cận nơi sản xuất của DN. 

Bên cạnh sự chủ động, các DN kiến nghị cơ quan chức năng nên thiết lập bệnh viện hoặc trung tâm điều trị F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tại khu vực có đông công nhân tập trung như KCX, KCN. Việc này sẽ giúp hỗ trợ kịp thời cho DN trong việc bóc tách và điều trị F0 nếu có. Nhiều DN cũng nhận định, sống chung với Covid-19 là điều gần như chắc chắn. Muốn vậy, cơ sở hạ tầng đồng bộ để tiếp nhận và điều trị Covid-19 phải sẵn sàng. Việc này đặc biệt cần thiết đối với các DN nhỏ và vừa - thường không đủ năng lực tài chính để trang bị đầy đủ thiết bị y tế phòng dịch cho công nhân. 

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Tài chính TPHCM, hiện thành phố đã sẵn sàng nguồn tài chính hỗ trợ DN đổi mới sản xuất. Để thích ứng với dịch thì DN phải đổi mới công nghệ, tự động hóa những khâu có thể, ứng dụng công nghệ số trong quản trị để giảm số lượng nhân công lao động tập trung. Hiện Công ty CP Đầu tư Tài chính TPHCM đang nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, DN có nhu cầu vay, có thể liên hệ với công ty.  

Bên cạnh đó, các DN cho rằng, thành phố nên đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó ưu tiên công nhân các ngành sản xuất, phân phối hàng hóa, logistics. Bởi việc gián đoạn sản xuất từ tháng 5 đến nay đã khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy. Không chờ được, nhiều DN FDI đã dời một phần đơn hàng sang nước lân cận và tình trạng này nếu không được khắc phục nhanh thì DN trong nước có nguy cơ mất hẳn đơn hàng. Đây sẽ là khó khăn rất lớn cho DN trong nước, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Gần 60% doanh nghiệp trong KCX - KCN đã tái sản xuất

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các KCX - KCN TPHCM cho biết, hiện đến nay đã có gần 60% DN tái hoạt động sản xuất, phần lớn do đã tổ chức tốt “7 xanh”.  Đơn cử, tại KCX Tân Thuận đã có 110/230 DN đã hoạt động lại, khu công nghệ cao 67/85 DN, KCX Linh Trung 1, 2 có 40/65 DN… Mặc dù công suất hoạt động của các DN này còn hạn chế, chưa đủ 100% như trong điều kiện bình thường nhưng cơ bản giải quyết được những đơn hàng tồn đọng đã đến hạn giải giao cho đối tác, không thể kéo dài. 

Tin cùng chuyên mục