Báo cáo tình hình dịch bệnh mới đây lên Thủ tướng, Bộ Y tế cho rằng các đơn vị y tế dự phòng đã chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh, củng cố hệ thống cảnh báo, giám sát dịch bệnh. Do đó, ngành y tế đã không để dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai, thảm họa; khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh mới, nguy hiểm…
Xét diễn biến dịch bệnh thời gian gần đây, liệu Bộ Y tế trung thực đến đâu? Dịch bệnh tay chân miệng đang lây lan trong Nam ngoài Bắc khiến tổng cộng hơn 52.000 trẻ mắc phải và 109 cháu tử vong. Nếu như hồi tháng 5 vừa qua, chỉ 23 tỉnh, TP có ca mắc bệnh dịch tay chân miệng thì nay đã là 61 tỉnh thành. Ngày 20-9, Hà Nội đã có trường hợp bệnh nhi đầu tiên tử vong do bệnh này. Qua đó cho thấy, mạng lưới khống chế dịch bệnh, nhất là hệ thống y tế dự phòng còn nhiều chỗ phải bàn.
Bệnh dịch tay chân miệng chỉ là một điển hình mới, còn các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm A cũng cứ đến hẹn lại bùng phát. Thậm chí, sốt rét đã vắng bóng 20 năm qua tại TPHCM gần đây cũng xuất hiện trở lại làm hơn 50 người mắc bệnh. Vấn đề là công tác giám sát, ngăn ngừa của y tế dự phòng ở đâu?
Trong 10 năm qua, nước ta đã ghi nhận nhiều dịch bệnh mới nổi như: SARS, cúm gia cầm A/H5N1, cúm A/H1N1, liên cầu lợn, tay chân miệng, Rubella… và nhiều bệnh tái nổi như: tả, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh do ký sinh trùng, viêm não, viêm gan do virus… Phần lớn bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Nhưng theo các chuyên gia y tế, do chưa nhận thức đầy đủ về các bệnh truyền từ động vật sang người, phát hiện bệnh ở động vật muộn hoặc không phát hiện được khiến bệnh dễ trở thành dịch.
Trong khi đó, vai trò hạn chế của y tế dự phòng càng khiến dịch bệnh khó kiểm soát hơn. Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã lên tiếng về sự yếu kém của hệ thống y tế dự phòng, nhất là trong công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh. Điều này có phần xuất phát chính nhân lực, chuyên môn eo hẹp của hệ thống y tế dự phòng hiện nay.
Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), tại tuyến tỉnh và tuyến huyện, lực lượng nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng thiếu cả về số lượng và chất lượng. Tổng số nhân lực làm việc tại 682 trung tâm y tế huyện của cả nước khoảng trên 28.000 cán bộ, trong khi nhu cầu phải gần gấp đôi số này. Đó là chưa kể quy định phải trích 30% nguồn ngân sách y tế cho y tế dự phòng nhưng liệu đã mấy địa phương thực hiện đúng? Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng than thở khi các địa phương cắt xén kinh phí cho y tế dự phòng, trong đó phần dành cho truyền thông rất… hẻo!
Từ đó để thấy rằng, với tình hình dịch bệnh ngày càng nguy hiểm và phức tạp, việc củng cố lỗ hổng hệ thống y tế dự phòng có vai trò rất quan trọng. Đó là cần chế độ chính sách thiết thực cũng như trách nhiệm rõ ràng đối với y tế dự phòng. Trước mắt là cần có chính sách thu hút thỏa đáng đối với cán bộ làm công tác lĩnh vực y tế dự phòng; ưu tiên tuyển chọn, đào tạo thích hợp…
Tường Lâm