Lo lắng với quy định mới

Theo một bạn đọc phản ánh đến Báo SGGP, khi người này đến UBND phường thực hiện một số thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), cán bộ thụ lý yêu cầu xuất trình căn cước để cơ quan cấp giấy cập nhật số căn cước vào sổ đỏ, vì CMND của người này đã quá hạn, trong khi đó trên sổ đỏ cũ có số CMND. Tuy nhiên, khi người này xuất trình CMND và căn cước ra thì cán bộ thụ lý lại yêu cầu cần phải có giấy của cơ quan công an xác nhận rằng CMND của ông A. và căn cước của ông A. chính là một người, lúc đó mới nhận hồ sơ.

Một trong những điểm mới tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định (Nghị định số 43/2014, Nghị định số 44/2014, Nghị định số 47/2014) quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 3-3 tới là sẽ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng. Cụ thể, thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là tối đa 15 ngày so với quy định cũ là 30 ngày. Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản… không quá 10 ngày (quy định hiện hành là không quá 15 ngày). Cấp lại sổ đỏ bị mất không quá 10 ngày (quy định hiện nay là không quá 30 ngày). Giảm từ tối đa 15 ngày xuống còn 10 ngày với thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, vợ, chồng, nhóm người sử dụng đất…

Việc rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến sổ đỏ theo quy định mới sẽ có lợi cho người dân. Tuy nhiên theo một lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM, do bộ máy thực hiện vẫn như cũ nên có nguy cơ quá tải. Việc cấp sổ đỏ trong một số trường hợp có thể sẽ ủy quyền cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận huyện thực hiện. Tuy nhiên Sở TN-MT cũng phải rà soát lại và mang về sở đóng dấu… nên cũng không giảm tải được bao nhiêu. Rõ ràng việc thực hiện một số thủ tục trong việc cấp sổ đỏ cho người dân theo quy định mới về mặt lý thuyết thì thời gian sẽ được rút ngắn. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bộ máy chưa trơn tru chắc chắn cơ quan thực thi sẽ gặp không ít khó khăn.

Khi một chính sách mới được ban hành nhằm thay thế những quy định cũ không ngoài mục đích giúp cho bộ máy công quyền cũng như người dân đỡ vất vả hơn, quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên trên thực tế, do nhiều nguyên nhân như: chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho cái mới ra đời; thiếu sự liên thông giữa các bộ ngành liên quan; sự liên thông từ cấp thấp đến cấp cao chưa tốt… nên nhiều khi quy định mới lại làm trì trệ sự phát triển, gây phiền hà cho người dân cũng như sự quá tải cho cơ quan thực thi.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho biết ông có mong muốn “khảo sát” sự cấp tiến, hiệu quả của một số quy định pháp luật liên quan đến đời sống xã hội của người dân. Qua đó xem thử một thông tư, nghị định trên một lĩnh vực nào đó sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, sửa đổi thì lần ban hành lần sau cùng có tốt hơn những lần ban hành trước đó hay không hay nó quay về ban đầu? Nếu có một khảo sát như vậy chắc sẽ có nhiều điều thú vị.

Đỗ Trà Giang

Tin cùng chuyên mục