Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những mong mỏi và bức xúc nhất hiện nay của người dân Việt Nam. Đó là lý do mà năm 2016, trong số những nội dung giám sát của mình, MTTQ chỉ lựa chọn duy nhất một nội dung mới: giám sát về ATTP.
Ngày 23-2, đoàn công tác của Mặt trận, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hội Nông dân Việt Nam đã thị sát các mô hình sản xuất an toàn tại tỉnh Hà Nam nhằm có cơ sở thực tiễn nâng cao nhận thức của người dân để loại bỏ sản xuất không an toàn, sản xuất theo kiểu “đầu độc” người ăn.
Thuê đất dài hạn của dân để sản xuất nông sản sạch
Theo chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, ngay từ đầu năm 2014, khi Mặt trận bắt đầu triển khai chương trình giám sát thì Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đều đề nghị Mặt trận sớm giám sát về ATTP. Khi nhận được đề nghị này, Mặt trận ý thức được ATTP là “món nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước, của MTTQ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2016 này, khi kinh nghiệm giám sát đã ổn hơn, Mặt trận mới vào cuộc. Tại Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Mai Tiến Dũng cho biết, tỉnh nhận thức rất rõ, phát triển nông nghiệp “sạch” là một hướng đi mới để phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử, hiện nay, tỉnh đã đầu tư dự án rau sạch cho Công ty cổ phần An Phú Hưng để sản xuất rau sạch tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân. Theo đó, tỉnh hỗ trợ về hạ tầng đến tận hàng rào của dự án, công ty tích tụ ruộng đất, thuê đất của nông dân trên địa bàn trong vòng 20 năm để sản xuất. Đến nay đã có 21,5 ha rau sạch đang thời kỳ thu hoạch, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, nhất là siêu thị Nhật Bản, bởi dự án đang có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của chuyên gia đến từ Nhật Bản. “Dự án đã trồng 2 vụ sản xuất gồm đậu bắp giống Nhật, khoai tây giống Đức, dưa lưới, dưa lê và trên chục loại rau ăn lá các loại. Sản lượng rau sạch của dự án này trong năm 2015 là gần 500 tấn, hiệu quả cao gấp 10 lần sản xuất truyền thống. Toàn bộ sản phẩm được cơ quan giám định của Nhật Bản kiểm nghiệm”, ông Mai Tiến Dũng cho biết. Một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã thí điểm các mô hình trồng lúa, rau, mô hình nông nghiệp thông minh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại diện Công ty cổ phần An Phú Hưng,huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam về thuốc bảo quản rau sạch.
Đặc biệt, hiện tỉnh đã tích tụ ruộng đất bằng cách thuê đất của dân trong thời hạn 20-30 năm (không thu hồi đất của dân) rồi giao cho doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Vingroup 85 ha (năm 2016 sẽ tăng lên 300 ha) để sản xuất rau quả công nghệ cao, cung cấp cho thị trường trong tỉnh, Hà Nội và xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài rau củ, tỉnh Hà Nam cũng đẩy mạnh nuôi bò sạch, heo sạch, dự kiến đến năm 2020, Hà Nam có khoảng 15.000 con bò sữa, 10.000 con bò thịt. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, tỉnh đã có cơ chế ưu đãi đầu tư hạ tầng khung trong và ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ chế ưu đãi về thuế, đất.. để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật Bản. Các doanh nghiệp này sẽ đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân (đã có 3 khu), tạo sự lan tỏa trong dân, thu hút nông dân tham gia chuỗi sản xuất, hướng tới xuất khẩu cũng như cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.
Sẽ vận động nhân dân sản xuất an toàn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đều đánh giá cao sáng kiến tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn bằng cách thuê đất của dân trong thời hạn dài chứ không thu hồi mà tỉnh Hà Nam đang triển khai. “Điều quan trọng nhất hiện nay là giúp cho người dân phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu nông sản sạch. Xây dựng được thương hiệu sản phẩm an toàn đã khó, bảo vệ được thương hiệu còn khó hơn”, ông Nguyễn Thanh Long nói. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, nếu vẫn tiếp tục sản xuất không an toàn, sản phẩm sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Bằng chứng là nhiều người dân hiện nay đã tự trồng rau củ… “Cần có nhiều các dự án sản xuất sạch do doanh nghiệp đứng mũi chịu sào, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài để họ lo về đầu ra. Ngành công thương sẵn sàng tìm thị trường cho nông sản sạch”, ông Hải nói.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay đang có tình trạng người dân trồng rau ở một mảnh đất riêng để ăn, còn rau trồng để bán thì ở khu vực khác. Rõ ràng, người dân có thể tự do kinh doanh để kiếm lợi nhuận, nhưng về đạo đức là không được. Bởi vì bán rau, cây và gia súc, gia cầm không an toàn là hành vi đầu độc người tiêu dùng. Như vậy là không có văn hóa, không nhân văn. Sản xuất không an toàn là đồng nghĩa với việc đầu độc chính người Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, người dân đang lựa chọn mua rau quả, thịt nhập khẩu với niềm tin ATTP. Hàng hóa Việt Nam dù rẻ hơn nhưng không tạo được niềm tin về ATTP sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Bởi vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển nông nghiệp hiện nay phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm ATTP. Mỗi địa phương cần có những cơ chế mang tính sáng tạo, đột phá để bảo đảm mục tiêu này, trong đó sáng tạo tích tụ đất đai của Hà Nam rất cần được nhân rộng. “Tới đây, Mặt trận sẽ thí điểm tọa đàm ở một số thôn về vấn đề sản xuất bảo đảm ATTP. Sẽ phải làm rõ, nếu tất cả người dân trong thôn đều tham gia sản xuất sạch thì họ được lợi gì, cần cơ chế gì để người sản xuất phát triển”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết. Đặc biệt, gắn với nội dung giám sát của Mặt trận trong năm 2016 về ATTP, sẽ có đề án quốc gia vận động nhân dân sản xuất an toàn trong 5 năm tới. “Sản xuất an toàn cần được coi là tiêu chí 20 trong xây dựng nông thôn mới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.
LÂM NGUYÊN