Loại bỏ thủ tục gây đặc quyền, nhũng nhiễu

(ảnh)
Loại bỏ thủ tục gây đặc quyền, nhũng nhiễu

Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007-2010 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 30) và ra mắt Cục Kiểm soát TTHC. Bên lề hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh), đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về tiến trình thực hiện Đề án 30. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói:

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tính đến nay, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30 thông qua việc ban hành 25 nghị quyết thực thi các phương án đơn giản hóa gần 5.000 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ ngành. Quá trình thực thi dự kiến sẽ cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp (DN), tương đương gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong giai đoạn này, các cơ quan hành chính từ trung ương tới địa phương phải sửa đổi trên 4.000 văn bản không còn phù hợp thực tế.

- PV:

Việc cắt giảm TTHC được thực hiện thời gian qua ở một số bộ ngành và địa phương chỉ chú trọng đến tính hợp pháp và việc sử dụng các công cụ hành chính để quản lý, mà ít chú ý đến tính kinh tế?

>> Đồng chí NGUYỄN XUÂN PHÚC: Đây là một trong những nguyên nhân và tồn tại được đánh giá trong giai đoạn rà soát vừa qua tại các bộ ngành và địa phương. Tại nhiều nơi, việc rà soát, đánh giá TTHC còn thiếu các tiêu chí, chưa chú trọng nhiều về vấn đề kinh tế của quy định mà chỉ chú trọng đến tính hợp pháp của vấn đề nên đã tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho người dân và DN.

Bên cạnh đó, Chính phủ đánh giá, tại một số bộ ngành và địa phương chưa thật kiên quyết thực hiện cải cách TTHC, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của việc tháo gỡ những cản trở, vướng mắc cho cá nhân và DN về TTHC để phát huy tiềm năng sức mạnh vật chất, tinh thần của người dân cho mục tiêu phát triển.

- Giai đoạn tiếp theo của Đề án 30 trọng tâm sẽ là gì, thưa bộ trưởng?

Giai đoạn 3 thực hiện Đề án 30 sẽ tập trung vào kiểm soát TTHC. Trước tiên là thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát TTHC) và cấp bộ ngành trung ương, các tỉnh thành (Phòng kiểm soát TTHC). Chúng tôi xác định hoạt động kiểm soát TTHC là một công việc khó nhưng nếu thực hiện thành công sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chất lượng thể chế (các nút thắt của năng lực cạnh tranh ở Việt Nam).

Giải đáp về thủ tục nhà đất tại UBND quận 3. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giải đáp về thủ tục nhà đất tại UBND quận 3. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Nhiệm vụ của cơ quan kiểm soát TTHC là gì, thưa bộ trưởng?

Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VPCP-BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của bộ phận kiểm soát TTHC thuộc văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ và văn phòng UBND tỉnh thành trực thuộc Trung ương (Thông tư 01). Mỗi cấp đều có nhiệm vụ cụ thể theo quy định của Thông tư 01 và Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8-6-2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC. Tại hội nghị này, tôi đã giao Cục Kiểm soát TTHC khẩn trương thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, tập trung đôn đốc các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc giai đoạn thực thi của Đề án 30 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC thường xuyên, liên tục từ khâu dự thảo đến việc thực thi, qua đó kịp thời phát hiện và loại bỏ những TTHC không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp. Quyết tâm chính trị của các ngành và các cấp trong giai đoạn này là kiên quyết loại bỏ TTHC gây đặc quyền, nhũng nhiễu để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và DN.

Qua đây, tôi cũng kêu gọi người dân, cộng đồng DN, giới luật sư, chuyên gia trên các lĩnh vực tích cực tham gia việc rà soát độc lập những TTHC còn gây bức xúc, khó khăn cho người dân và DN; kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng những sáng kiến, giải pháp để loại bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung những TTHC không phù hợp với thực tế.

* Việc cắt giảm những TTHC không phù hợp thực chất là cắt bỏ những quyền lực gây cản trở, nhũng nhiễu đối với người dân. Qua đó, cụ thể hóa nhiệm vụ cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, lấy lợi ích kinh tế của người dân và DN làm trọng tâm.

(Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị)

Hoài Nam (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục