Lời cảnh tỉnh

Từ ngày 1-4, YanTV - kênh truyền hình Việt dành cho khán giả trẻ, chính thức đóng cửa sau gần 10 năm phát sóng. Thông tin buồn nhưng không quá bất ngờ đối với những người làm nghề, kể cả những người đã có nhiều năm gắn bó với kênh này.  
Chính thức lên sóng từ ngày 16-6-2009 với 60% nội dung là âm nhạc, 40% là giải trí, những dấu ấn mà YanTV để lại là các chương trình: Rock on Yan, Yan Vpop 20, Ghế đỏ, Yan Live..., cùng một số gương mặt VJ tiêu biểu như: Isaac, Quang Bảo, MLee, Sĩ Thanh, Ngọc Trai…
Kênh truyền hình này, thời hoàng kim cũng nhận được khá nhiều sự yêu mến của khán giả. Đối với những người từng gắn bó, việc dừng lại này là “cái chết được báo trước”, bởi thông tin râm ran về chuyện đóng cửa đã có từ trước đó cả năm.   
Khoảng 2 năm trở lại đây, YanTV chỉ phát sóng mang tính cầm chừng. Một số chương trình được phát đi phát lại nhiều lần, các chương trình mới ít được đầu tư và các gương mặt kỳ cựu lần lượt rời đi. Đối với những người làm trong lĩnh vực truyền hình thì khi chi phí mua sóng đắt đỏ, chi phí sản xuất cao, rating thu về thấp và quảng cáo không như mong đợi, việc đóng cửa 1 kênh truyền hình là hệ quả tất yếu. 
Từ 1-4, sự ra đi của YanTV được thay thế bằng UNI Channel - cũng là một kênh truyền hình dành cho giới trẻ. Theo đoạn trailer quảng bá, UNI Channel sẽ mang đến cho khán giả những MV Vpop đặc sắc, các sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế, phim sitcom, web drama của Việt Nam và Thái Lan. UNI Channel sẽ phát triển ra sao, câu trả lời chỉ có ở thì tương lai khi nó chính thức đi vào hoạt động.  
Việc nhiều tạp chí, ấn bản báo giấy, trong đó có nhiều tờ mua bản quyền của nước ngoài ngừng hoạt động tại Việt Nam thời gian qua vốn là điều không còn xa lạ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với báo điện tử và mạng xã hội. Tuy nhiên, hẳn một kênh truyền hình bị đóng cửa là điều “cực chẳng đã”. 
Thực tế cho thấy, câu chuyện kinh doanh lĩnh vực truyền hình, đầu tư thì lớn và luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro cao, ngay cả đối với những ông lớn. Trong những năm qua, nhiều đơn vị phải chấp nhận kết quả khá ảm đạm. Một thách thức lớn mà ai cũng nhận ra, đó là xu thế internet hóa khiến khán giả ưu tiên lựa chọn xem các video online hơn là theo dõi trên truyền hình truyền thống. Sự đa dạng, sinh động, hấp dẫn và dễ chọn lựa của các video trực tuyến là điểm mạnh nổi bật, đặc biệt đối với khán giả trẻ.  
Việc đóng cửa của YanTV cũng là một cảnh tỉnh đối với nhiều kênh truyền hình hiện nay - nếu không có sự đầu tư, sáng tạo về mặt nội dung để tạo nên những chương trình hấp dẫn, độc đáo. Khi cách mạng 4.0 ngày càng có tác động và ảnh hưởng rõ rệt đối với những người làm trong lĩnh vực truyền hình, thiết nghĩ những phương thức cũ cần được thay đổi để thực sự hợp thời, dù hiệu quả trên thực tế cần thời gian để kiểm chứng, đánh giá.

Tin cùng chuyên mục