Từ đầu năm đến nay đã có cả chục vụ học sinh tự tử với nhiều lý do khác nhau. Nào là buồn chuyện gia đình, bị thầy cô la mắng vì học lực, vì bạn nghi ngờ ăn cắp đồ, và kể cả… không có gì để đi tìm sự giải thoát cuộc đời.
Nhưng dù gì chăng nữa thì những cái chết thương tâm này cũng gióng hồi chuông cảnh báo về sự “ô nhiễm” chung cả trong môi trường giáo dục lẫn xã hội, cần những giải pháp chấn chỉnh quyết liệt. Khi nhìn lại những sự việc này thì hầu hết nguyên nhân chỉ là những rắc rối nhỏ trong cuộc sống. Nếu như các em có sự quan tâm hơn của gia đình, thầy cô và bạn bè thì những rắc rối của tuổi teen sẽ được giải quyết dễ dàng. Bên cạnh sự thiếu quan tâm gần gũi của các bậc làm cha mẹ, cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc giáo dục tính cách và kỹ năng sống ở các trường.
Chính chương trình học quá nặng, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới khiến thầy và trò phải quần quật với những con số, bài học nặng nề đã làm cho giáo viên và học sinh không còn thời gian để gần gũi, chia sẻ những cảm xúc trong cuộc sống. Tình cảm giữa thầy cô giáo với học sinh cũng ít có sự gắn bó hơn bởi cứ tan trường là thầy cô phải chạy sô dạy thêm, học sinh cũng tất tả chạy học thêm nữa. Còn giáo dục kỹ năng sống thực tế trong các trường hiện nay chỉ là hoạt động mờ nhạt, năm thì mười họa một học kỳ mới tổ chức được một vài buổi nói chuyện, sinh hoạt tập thể tại các hội trường lớn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Các em học sinh vừa bị áp lực học tập lại thiếu kỹ năng, bản lĩnh trong cuộc sống đã dẫn dến những rối loạn tâm lý của tuổi teen và nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực, gây rối loạn tâm lý mà không biết chia sẻ cùng ai. Các trường học hiện nay vẫn còn thiếu khoảng trống về tư vấn học đường.
Ngay như ở TPHCM hiện nay cũng chỉ có hơn 30% trường có phòng tư vấn tâm lý học đường đúng nghĩa. Còn 70% các trường chủ yếu là tổ chức các hoạt động có liên quan, và người tư vấn chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm hoặc giám thị kiêm tư vấn viên. Theo các nhà tâm lý, điều này, thậm chí còn có tác dụng ngược vì đối với giám thị các em học sinh rất sợ không dám chia sẻ, nói thẳng và nói thật.
Đã đến lúc ngành giáo dục cần phải xem việc thành lập các phòng tư vấn học đường ở các trường là một trong những yêu cầu quan trọng và cấp thiết đối với học sinh. Bởi có nắm được tâm lý của các em thì mới có thể giúp học sinh học tập tốt. Sự việc này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các trường đào tạo sư phạm trong việc nâng cao chất lượng bộ môn tâm lý, khắc phục tình trạng nặng về lý thuyết, ít thực hành dẫn đến cứng nhắc như hiện nay khiến giáo viên ra trường khó vận dụng vào thực tế giảng dạy. Đồng thời phải đưa những nghiên cứu về vấn đề rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử của trẻ và những bài học từ thực tế cuộc sống để mỗi giáo viên cũng là một chuyên viên tâm lý, một người thầy tin cậy đối với các em học sinh như mục tiêu của ngành giáo dục đặt ra trong nhiệm vụ giáo dục học sinh phát triển toàn diện.
Lê Linh