
LTS: Nhà báo Dương Minh Anh, PV Báo Sài Gòn Giải Phóng vừa ra tuyển tập phóng sự-ký sự, bao gồm một số bài viết của anh trong thời gian qua. Đọc trong đó có thể thấy Dương Minh Anh trải lòng mình với từng số phận không may mắn, những trăn trở trước những cảnh đời lận đận. Chúng tôi giới thiệu bài tựa cho cuốn sách của nhà báo Nguyễn Đức, người anh, người thầy của Minh Anh, đã nói giùm cho tất cả…

So với các thế hệ phóng viên SGGP, Minh Anh thuộc thế hệ em út. Học viên lớp đào tạo phóng viên báo chí SGGP năm 2003, tốt nghiệp cuối năm và được tiếp nhận làm phóng viên chính thức ngay sau lễ tốt nghiệp. Đến cuối năm 2008 này, Minh Anh mới được 5 năm tuổi nghề SGGP.
Là người hướng dẫn ngay từ khi Minh Anh chân ướt chân ráo đến SGGP, nay lại trực tiếp quản lý nghiệp vụ, vẫn đọc và biên tập tin bài Minh Anh hàng ngày, thế mà nay đọc lại tập phóng sự… trong đó có không ít những bài tôi đã đọc, đã duyệt – bỗng thấy ngạc nhiên. Minh Anh đã “lớn”, đã trưởng thành hơn tôi nghĩ.
Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên báo chí của SGGP, Minh Anh được nhận làm phóng viên chính thức của Tuần san SGGP thứ 7. Đây là quãng thời gian Minh Anh được đi thực tế nhiều, viết nhiều, đặc biệt là những loạt bài phóng sự đường dài. Từ năm 2006 Minh Anh chuyển về Ban Chính trị – Xây dựng Đảng. Công việc viết thời sự chính trị chiếm gần hết thời gian nhưng hễ có điều kiện, Minh Anh lại đi; hễ bắt gặp một chi tiết, một câu chuyện độc đáo, Minh Anh lại viết phóng sự…
Tập phóng sự… chỉ chọn 50 bài trong hơn 200 bài mà Minh Anh đã thực hiện trong hơn 5 năm làm Báo SGGP. Không thể coi những bài đưa vào tập sách này là tiêu biểu cũng như những bài không đưa vào là… hạng hai. Đưa hay không đưa là chủ kiến của người chọn. Nhưng trong 50 phóng sự này, bạn đọc – nhất là các đồng nghiệp – cũng có nhiều cái để đọc, để chiêm nghiệm. Mỗi người sẽ có cách thẩm định, đánh giá cũng như học hỏi điều gì đó khác nhau. Riêng tôi, điều dễ thấy nhất trong những bài viết được tập hợp lại này là… tính cách một con người.
Dù chưa gặp Minh Anh, chỉ cần đọc tập phóng sự này, cũng có thể nhận ra. Đó là một con người thiên về tình cảm hơn là lý trí: nhiệt tình, nhân hậu, giàu lòng thương người, nhất là những người… lao động nghèo. Có lẽ do hoàn cảnh gia đình (cha mất sớm, mẹ ở vậy tần tảo nuôi hai con nhỏ dại, côi cút) nên dễ Minh Anh đồng cảm với người nghèo. Nhưng nếu không có một tấm lòng nhân hậu, thì dẫu có sự đồng cảm ấy, chưa chắc đã có được những phóng sự đọc lên cứ thấy cay cay sống mũi.
Minh Anh còn là một phóng viên yêu nghề, hết mình với nghề, điều đó không chỉ thể hiện qua việc anh đi nhiều, hầu như không một tỉnh nào, nhất là vùng sâu vùng xa, mà anh chưa đặt chân đến. Đáng nói hơn, những chuyến đi của anh thường là “độc hành” hoặc “phiêu lưu ký”. Một mình một xe, ngày đi và gặp gỡ, ghi chép, tối đâu ngủ đấy, cũng để được… gặp gỡ và ghi chép. Thời buổi một bước lên xe hơi, đến đâu, chỉ cần một cú phone là… có người đưa đón, có tiệc tùng ở nhà hàng, có phòng nghỉ ở khách sạn…, không phải phóng viên nào cũng muốn làm và làm được như vậy.
Leo lên nóc nhà Đông Dương bằng con đường đến những người dẫn đường chuyên nghiệp cũng ngán, không phải ai cũng đi được. Minh Anh làm được, tự nhiên, tự nguyện như nó vốn phải thế… Chính vì có cái tâm và lòng yêu nghề như vậy, dù tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, Minh Anh đã có được hàng trăm phóng sự. Và tập phóng sự đến tay bạn đọc này là một phần. Sẽ có những “hạt sạn” về bố cục, về văn phong và cả về chi tiết, bởi đó là sự khởi đầu – sự khởi đầu của một phóng viên có khát vọng vươn xa…
Tháng 12-2008
NGUYỄN ĐỨC