Lớp học của những người phụ nữ

Lớp học của những người phụ nữ

Trong khi không ít bạn trẻ được gia đình chi rất nhiều tiền để đi học nhưng vẫn thờ ơ, thì hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều lớp học hoàn toàn miễn phí mà cả thầy và trò chăm chỉ đến lớp với niềm say mê bất tận. Đó là những lớp học được lập ra để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học của những tấm lòng

Tại Trung tâm Thể dục Thể thao Hồ Xuân Hương (quận 3, TP HCM) có một lớp học dạy võ Aikido miễn phí dành cho người khuyết tật. Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan (65 tuổi), Trưởng bộ môn Aikido (thuộc Hội Võ thuật người khiếm thị TPHCM, đồng thời là người phụ nữ Việt Nam thứ hai đạt đến đẳng Shodan - tức huyền đai quốc tế Aikikai), chia sẻ về những ngày đầu của lớp học: “Năm 2005, tôi được Hội Người mù TPHCM đề nghị dạy võ Aikido cho người khiếm thị. Trước đó tôi đã quen dạy võ cho người sáng mắt, giờ dạy cho người mù quả thật là việc vô cùng khó khăn. Thế nhưng, sau một lần trực tiếp đứng lớp, tôi ngạc nhiên nhận thấy nhiều bạn trẻ khiếm thị tiếp thu môn võ rất nhanh”.

Đối với người khiếm thị, mục tiêu cơ bản của lớp học là giúp võ sinh biết cách té ngã không đau. Với học viên câm điếc, cô Loan tìm cách học một số ký hiệu ngôn ngữ thông dụng để trao đổi với học viên và cô còn dạy võ cho cả học viên thiểu năng trí tuệ, bệnh down, thường học trước quên sau.

Phụ huynh của em Tất Thành cho biết: “Cháu nhà tôi bị hội chứng down, từ khi theo học cô Loan, cháu tiến bộ rõ rệt. Hơn một năm học võ, cháu được lên đai xanh hai vạch, về nhà cháu hoạt bát vui vẻ hơn trước, lại còn biết giúp mẹ việc nhà”.

Từng phụ trách phòng tư vấn cộng đồng ở Nhà Văn hóa phường 1 (quận Tân Bình) cách đây 3 năm, trong lần đi họp sớm, nhìn thấy một chị bán nước giải khát bên đường ấp úng không thốt được lời nào với người khách ngoại quốc, chị Lê Thị Thanh Nga cứ canh cánh trong lòng: “Chẳng lẽ vốn tiếng Anh của mình chỉ để dạy con học thôi sao? Rất nhiều phụ nữ nghèo cần biết tiếng Anh để giao tiếp, sinh nhai, nhưng cái khó là chuyện mở lớp”.

Chị Nga đem trăn trở đó bàn với các cán bộ ở phường. Và thế là đều đặn vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần, căn phòng nhỏ bên trong Nhà Văn hóa phường 1 râm ran tiếng đọc, đánh vần say sưa của những phụ nữ đứng tuổi. Thành phần chủ yếu của lớp học là các chị em làm công việc nội trợ, buôn bán nhỏ, ít có điều kiện trau dồi ngoại ngữ. Chị Nga còn vận động con gái làm “trợ giảng”, đảm nhận phần chỉnh sửa cách phát âm, luyện đọc cho các học viên ngay tại lớp.

Từ những khóa học đầu tiên chỉ có trên dưới 10 học viên, đến nay cơ sở ngoại ngữ Tân Canh đã quá tải. Chị Phạm Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội LHPN phường 1, cho biết: “Nhiều dì, chị là hội viên hội phụ nữ ở các phường khác cũng muốn tham gia lớp học tiếng Anh. Sắp tới, Hội Phụ nữ phường sẽ đề xuất với Quận Hội mở thêm lớp tiếng Anh miễn phí tại nhiều phường khác”.

Để tiến xa hơn

Được định danh “lớp học ba không” với đa phần học sinh thuộc diện “không hộ khẩu, không khai sinh, không học bạ”, nhiều năm qua, Lớp học tình thương Bà Mười tạm thời tá túc tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây (quận 7) là địa chỉ quen thuộc của bà con lao động nghèo sống quanh khu vực cầu Tân Thuận.

Học trò xếp hàng vào Lớp học tình thương Bà Mười

Lớp học miễn phí này đã tồn tại suốt 15 năm là cố gắng rất đáng khâm phục của bà Lữ Thị Lệ Nương, thường được gọi bằng tên thân mật: Bà Mười. Lớp học sử dụng 2 phòng nhỏ cho cả 5 khối lớp cùng học. Phần lớn các em ngoài giờ học còn phải phụ giúp gia đình kiếm sống nên sĩ số lớp không ổn định. Có em chỉ học được thời gian ngắn lại theo ba mẹ dời đi nơi khác.

Từ cuối năm 2014, chương trình “Em đến trường” của quán cơm xã hội Nụ Cười 3 đã chính thức đồng hành cùng Lớp học tình thương Bà Mười để tiếp sức ý nghĩa tốt đẹp. Bằng việc nối dài vòng tay nhân ái với đông đảo các mạnh thường quân khác, giờ đây giáo viên của lớp học đã được hỗ trợ phần nào kinh phí, các học sinh chưa có giấy khai sinh sẽ được cập nhật danh sách và cứ mỗi 3 tháng, Hội Bảo trợ Trẻ em TPHCM sẽ lần lượt giải quyết từng trường hợp, bước đầu đưa lớp học đi vào nề nếp, ổn định sĩ số.

Không chỉ dừng lại ở việc giúp cho các em biết đọc biết viết, mục tiêu của lớp học này còn nhắm đến cơ hội đưa các em vào học tại trường công lập khi có điều kiện. Qua sự giới thiệu của Phòng GD-ĐT quận 7, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng đã chấp thuận hỗ trợ về chuyên môn cho Lớp học tình thương Bà Mười, tạo điều kiện tổ chức kỳ thi học kỳ với đề thi do nhà trường cung cấp, đồng thời hướng dẫn chấm bài thi và vô sổ học bạ theo đúng quy định của ngành giáo dục. Đây sẽ là cơ sở để khi học xong lớp 5, em nào hội đủ điều kiện có thể nộp đơn xin xét tuyển vào cấp 2 trường công lập. Ngoài ra, chương trình “Em đến trường” cũng hỗ trợ chi phí hàng tháng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tránh trường hợp vì mưu sinh mà các em phải bỏ học.

Hiện nay do tuổi già sức yếu, bà Mười đã bàn giao công việc quản lý cho Mỹ Phượng, sinh viên năm thứ 4 Đại học Luật TPHCM. Với thế hệ kế thừa trẻ trung nhiệt huyết cùng đội ngũ mạnh thường quân và sự chung tay của bao tấm lòng, mô hình lớp học miễn phí, lớp học tình thương ngày càng có thêm ý nghĩa.

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục