Tham dự chương trình có Chuẩn Đô đốc Nguyễn Phong Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 2 Hải quân; đồng chí Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre; đồng chí Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM; đại biểu các cơ quan, đơn vị Quân chủng Hải quân; đại diện các đơn vị thuộc Vùng 2 hải quân, đại biểu Cựu chiến binh Đoàn tàu Không số toàn quốc và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 qua các thời kỳ.
Tại buổi lễ, Đại tá Hoàng Minh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 125 thay mặt Đảng ủy, Chỉ huy cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phát biểu, đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang và tăng thêm niềm tự hào, sức bật mới tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Lữ đoàn “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ xuyên qua dãy Trường Sơn, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay).
Đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiệm vụ mở đường vận tải chiến lược trên Biển Đông, vận chuyển vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, những nơi mà tuyến đường bộ chưa thể vươn tới được.
Với phương châm hoạt động “Bí mật, táo bạo, bất ngờ”, từ năm 1961 đến 1975, Lữ đoàn đã huy động được gần 1.000 lượt tàu chở hơn 28.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hơn 97.000 tấn vũ khí, hàng hóa; vượt hàng triệu hải lý vào đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau... trực tiếp chiến đấu với 30 tàu chiến, 1.200 lượt máy bay địch; khắc phục, rà phá 4.000 quả thủy lôi, bắn rơi 5 máy bay, bắn chìm và bắn hỏng 5 tàu chiến, bắt 42 tù binh… kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tại buổi gặp mặt, Lữ đoàn đã tổ chức Lễ dâng hương tại Tượng đài, Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ Đoàn tàu Không số.