Một lần nữa, quan hệ giữa Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai với phương Tây lại trở nên căng thẳng sau khi liên quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1-6 tiến hành các vụ không kích nhằm tiêu diệt Taliban song lại làm dân thường thiệt mạng. Sau nhiều sự cố, NATO – lực lượng được xem là có vai trò gìn giữ hòa bình ở Afghanistan - đang có nguy cơ bị chính phủ Afghanistan xem là kẻ chiếm đóng.
Tấn công thường dân là cần thiết?
Trong khi cuộc điều tra vụ không kích hôm 28-5 vào một khu nhà ở tỉnh Helmand làm 14 dân thường thiệt mạng (trong đó có đến 12 trẻ em) đang được tiến hành, ngày 31-5, phát ngôn viên NATO, bà Oana Lungescu tuyên bố “các cuộc không kích của liên minh quân sự này vào nhà dân tại Afghanistan là cần thiết và sẽ tiếp tục được thực hiện với sự phối hợp của các lực lượng Afghanistan”.
Tuyên bố của NATO được đưa ra bất chấp phản ứng giận dữ công khai trước đó của Tổng thống Afghanistan. Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kabul ngày 31-5, ông Karzai tuyên bố: “Đây là cảnh cáo cuối cùng của tôi. Liên quân do Mỹ cầm đầu tại nước này có nguy cơ trở thành lực lượng chiếm đóng nếu lực lượng này không chấm dứt các cuộc không kích gây thương vong cho dân thường Afghanistan. Trong trường hợp đó, người dân Afghanistan sẽ chiến đấu để đánh bại các lực lượng chiếm đóng. Afghanistan nghiêm cấm việc ném bom vào nhà riêng của người dân đất nước này”.
Tổng thống Karzai cho biết ông sẽ có cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao của liên quân, có thể là vào ngày 4-6 và dự định thông báo chi tiết về các biện pháp mà Kabul sẽ thực hiện để ngăn chặn các vụ ném bom nhằm vào dân thường.
Túng thế làm liều
Quan hệ giữa ông Karzai với phương Tây ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây bởi các vụ không kích làm dân thường thiệt mạng. Thái độ giận dữ không giấu giếm của Tổng thống H. Karzai cho thấy “giọt nước đã tràn ly”.
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống, ông Karzai nói với Tư lệnh chỉ huy lực lượng Mỹ và NATO David Petraeus rằng, những vụ dân thường vô tội thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự của NATO là lý do chính khiến quan hệ giữa Mỹ và Afghanistan vẫn căng thẳng và ông yêu cầu không được để xảy ra sự việc tương tự nữa.
Cách đây gần 3 tháng, NATO đã xin lỗi sau khi máy bay của lực lượng này giết nhầm 9 bé trai đang đi kiếm củi ở tỉnh Kunar. Vụ việc này gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận khiến Tổng thống H. Karzai bất bình tuyên bố: gây ra cái chết cho dân thường rồi xin lỗi thôi chưa đủ. Lần này, NATO cũng xin lỗi, song vẫn biện minh rằng cuộc không kích được tiến hành sau khi các tay súng nổi dậy bắn chết một binh lính của họ và trốn vào khu nhà nói trên.
Đến lúc này, sau gần một thập kỷ tham chiến, dường như “canh bạc” của NATO ở Afghanistan đã rõ. Có thể NATO chưa thua, nhưng dường như càng sa lầy thì họ càng túng thế phải làm liều. Các vụ giết nhầm liên tục xảy ra hầu như mỗi tháng chứng tỏ nguồn tin của NATO không chính xác và lực lượng này chỉ cố tình đạt được mục tiêu bất chấp sinh mạng những dân thường. Hơn nữa, trong những cuộc không kích nhầm như vậy, thái độ phẫn nộ của người dân Afghanistan và tổng thống của họ càng lên tới đỉnh điểm bởi quân Taliban đâu không thấy, chỉ thấy nạn nhân phần lớn là phụ nữ, trẻ em.
Theo giới chuyên gia, đã đến lúc tính đến các giải pháp mới trước khi NATO bị xem là một lực lượng xâm lăng. Biện pháp tối ưu trong lúc này, phải phối hợp cả quân sự lẫn chính trị. Điều này đồng nghĩa với việc buộc phải thay thế chiến dịch quân sự thường xuyên gây ra thiệt hại thường dân bằng một chính sách nhân đạo hơn, nối lại các mối liên kết chặt chẽ với người dân địa phương thông qua các đề án phát triển và qua trung gian là các tổ chức phi chính phủ.
XUÂN HẠNH