
Đầu năm học 2005- 2006, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tiến hành điều chỉnh và giảm hợp lý chương trình nội dung cho phù hợp tâm lý, sinh lý của học sinh (HS), nhất là cấp tiểu học. Biện pháp giảm tải mà Bộ đề ra bao gồm 4 nội dung: điều chỉnh phân phối chương trình; đổi mới cách đánh giá HS; chú trọng phương pháp dạy học; thẩm định lại các nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế tại TPHCM lại cho thấy đã gần hết học kỳ 1 các trường vẫn chưa hiểu đầy đủ về chủ trương giảm tải của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi đã đặt vấn đề với Sở GD-ĐT TPHCM và được ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD Tiểu học, cho biết:

Một trong những mục tiêu của giảm tải chương trình sách giáo khoa mới là dành thời gian để học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, thực hành.
- Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2005-2006 ở cấp tiểu học của Bộ GD-ĐT, Sở đã tổ chức triển khai đến tất cả các phòng GD và triển khai trực tiếp cho hiệu trưởng các trường tiểu học trong TP về nội dung, yêu cầu mà cấp học phải hoàn thành. Trong đó có yêu cầu giảm hợp lý nội dung chương trình, SGK để học tập vừa sức, hiệu quả.
- Thực tế cho thấy nhiều nơi nhà trường và GV vẫn chưa nắm được thế nào là giảm tải. Phải chăng hướng dẫn của Bộ và Sở còn quá chung chung?
- Ông LÊ NGỌC ĐIỆP: Việc giảm hợp lý nội dung chương trình cho phù hợp đặc điểm tâm sinh lý HS được tiến hành bằng nhiều biện pháp - cả trong công tác quản lý và giảng dạy của GV. Trước yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của HS, đảm bảo các tiết học diễn ra tự nhiên, nhẹ nhàng, chất lượng, chúng tôi đã hướng dẫn các trường thực hiện những biện pháp giảm tải gồm:
- Thực hiện kế hoạch và nội dung giảng dạy phù hợp với từng trường với sự vận dụng linh hoạt phù hợp với đối tượng HS nhằm đạt yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng;
- GV không được nâng cao, mở rộng chương trình tạo áp lực nặng nề cho HS, để từ đó tạo cơ hội để dạy thêm – học thêm tràn lan.
Đối với lớp học 2 buổi/ngày, không được giao bài tập đem về nhà làm; mỗi ngày dành 1 tiết cuối để HS tự học, củng cố kiến thức đã học. Ngoài ra, thực hiện quy định về đánh giá xếp loại HS tiểu học, Sở cũng chỉ đạo phòng GD các quận, huyện và các trường tổ chức kiểm tra nhẹ nhàng, không tạo không khí lo âu, đối phó. Sở cũng quyết định trong năm nay sẽ không tổ chức thi HS giỏi cấp thành phố. Về phía công tác quản lý, sở cũng áp dụng nhiều biện pháp để giúp GV thực hiện tốt mục tiêu giảng dạy.
- Thưa ông, giảm tải 15% chương trình nên được hiểu như thế nào?
- Như chúng tôi đã trình bày, Bộ GD-ĐT chỉ mới hướng dẫn giảm hợp lý nội dung, chương trình SGK chứ chưa hướng dẫn cụ thể giảm tải 15% ở phần nào, nội dung nào.
- Trong báo cáo về đánh giá chương trình SGK mới cho thấy có những phần khó đối với cả GV lẫn HS. Vậy, việc thực hiện giảm tải có lặp lại phương thức giảm tải theo cách đã thực hiện của chương trình trước đây (cắt bỏ những phần khó)?
- Chương trình SGK mới có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học. Nhưng dù sao trước cái mới và đôi khi còn lạ (theo kinh nghiệm giảng dạy cũ), GV còn bỡ ngỡ và lo lắng. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giảng dạy của GV. Tuy nhiên, nhiều GV vẫn chờ đợi một sự cắt giảm cụ thể. Chúng tôi đang chờ đợi sự chỉ đạo về cách thức và quy định của Bộ.
- Trong hướng dẫn của Sở, hiệu trưởng có quyền chủ động thực hiện chương trình giảng dạy. Điều này có đảm bảo được tính chuẩn xác trong thực hiện chương trình và liệu có dẫn đến tình trạng mỗi nơi thực hiện mỗi khác?
- Phân phối chương trình phải được tổ trưởng chuyên môn cùng GV thảo luận và đề xuất cho hiệu trưởng quyết định. Việc thực hiện chương trình không bắt buộc rập khuôn máy móc, như dạy đúng tuần, tiết, thời lượng như trước đây. Tuy nhiên, GV phải đảm bảo dạy đúng và đủ chương trình SGK; xác định đúng yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng từng bài học, không nâng cao, mở rộng hoặc cắt xén nội dung.
- Có ý kiến cho rằng việc Bộ quy định dồn chương trình học chính khóa vào buổi sáng đã không song hành với chủ trương giảm tải. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
- Theo hướng dẫn của Bộ, đối với dạy 2 buổi/ngày, buổi thứ nhất dạy chương trình chính khóa. Buổi thứ hai, Bộ gợi ý thực hiện theo các nội dung như hướng dẫn thực hành kiến thức đã học và tổ chức cho HS tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương; giúp đỡ HS yếu kém, bồi dưỡng HS năng khiếu và học các môn tự chọn như ngoại ngữ, tin học… Chúng tôi nhận thấy việc đổi mới hình thức học 2 buổi/ngày đã làm thay đổi một thói quen có sẵn lâu nay. HS học cả 2 buổi trong lớp và đồng loạt như nhau theo một thời khóa biểu và chương trình có sẵn.
Như vậy, dễ quản lý điều hành nhưng thiếu thời gian cho hoạt động, thực hành, vui chơi. Áp lực học tập vì thế mà sẽ lớn hơn. Nếu chúng ta giảm tải hợp lý trong buổi thứ nhất thì buổi thứ hai chính là phần dành cho mỗi nhà trường tiểu học phát huy khả năng tổ chức, tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho HS ở lứa tuổi rất hiếu động có sân chơi và rèn luyện.
LÂM VY