Lưỡi cuốc đêm đêm khoan vào lòng đất

Đội quân 12 người
Lưỡi cuốc đêm đêm khoan vào lòng đất

Năm nay đã 91 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Lự (tức Cù Lự) vẫn còn nhớ khá rõ từng ngóc ngách, từng nắp hầm, từng chi tiết của địa đạo Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM). Chính tay ông cùng đồng đội đêm đêm đã đào từng nắm đất, hình thành nên địa đạo Phú Thọ Hòa giữa lòng TP, góp phần vào thắng lợi của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Tổ đào địa đạo 12 người giờ chỉ còn mỗi mình ông…

Ông Nguyễn Văn Lự, người duy nhất còn sống của đội quân đào địa đạo Phú Thọ Hòa nay đã già yếu.

Ông Nguyễn Văn Lự, người duy nhất còn sống của đội quân đào địa đạo Phú Thọ Hòa nay đã già yếu.

Đội quân 12 người

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, thực dân Pháp tổ chức những cuộc càn quét vùng cơ sở cách mạng với chủ trương tiêu diệt lực lượng của ta ở vùng vành đai TP. Năm 1947, Chi bộ xã Phú Thọ Hòa có các đồng chí Nguyễn Văn Tiểng (Bí thư), Lê Thanh, Lâm Quốc Đăng đã bàn tính và chọn thôn Lộc Hòa để đào địa đạo vì đây là vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình địa chất phức tạp, nhân dân có truyền thống cách mạng vững chắc. Một đội quân 12 người (thuộc lực lượng bộ đội lưu động, Chi đội 12, do đồng chí Lâm Quốc Đăng chỉ huy) được thành lập với nhiệm vụ chính là đào hầm bí mật làm nơi ém quân cho những trận đánh lớn.

Ông Nguyễn Văn Lự, người duy nhất còn sống của đội quân đào địa đạo năm xưa, kể: “Việc đào hầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, mỗi tổ có 3 người, thay phiên nhau đào từ 7-8 giờ tối đến 2-3 giờ sáng. Đầu tiên phải đào một giếng giả, thường chọn nơi kín đáo, ngụy trang cẩn thận để địch không phát hiện ra. Từ miệng giếng giả này, người thợ ngồi xếp bằng tròn, dùng cuốc chim (một loại cuốc nhỏ) cuốc vỡ lớp đất trước mặt mà nhích tới. Người ngồi sau kéo đất ra chuyền lên trên. Để tránh bị địch phát hiện, số đất mới đào đều được người dân khéo léo mang đi vun giồng trồng khoai mì, đậu”.

Để xác định đúng hướng, người ngồi sau cầm đèn ở một khoảng cách nhất định để rọi bóng người ngồi trước lên vách. Người trước cầm cuốc đào vào cái bóng của mình, sao cho bóng ngay thẳng, tròn trịa là lòng hầm đúng ni tấc và phương hướng. Mỗi đêm đào như vậy cũng tầm vài chục mét. Về sau, ta huy động dân đào thêm những hầm chữ L và giao thông hào công khai trên mặt đất để đổ lẫn đất nọ vào đất kia tránh sự chú ý của địch.

Phát huy giá trị

Phú Thọ Hòa từng là nơi che giấu hàng ngàn cán bộ, bộ đội, du kích của Chi đội 13, Chi đội 12, Tiểu đoàn Ký Con, Tiểu đoàn Ngô Gia Tự và nhiều ban công tác thành. Từ địa đạo này, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công: diệt 2 tiểu đoàn lính Âu Phi có 5 xe lội nước đánh chiếm Tân Sơn Nhì năm 1947; Tiểu đoàn Ký Con và các lực lượng phối hợp tấn công tiêu diệt toàn bộ đồn Cao Đài ở ngã 5 Vĩnh Lộc năm 1948, đánh kho bom và tiêu diệt đồn Phú Thọ Hòa. Năm 1949, Chi đội 12 và Ban công tác thành Sài Gòn - Chợ Lớn đánh trận chống càn ở Gò Đậu diệt 70 tên thu nhiều vũ khí. Năm 1952, lực lượng vũ trang của ta tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Chiến tranh đã lui vào quá khứ, dư âm của những đêm nào đốt đèn đào địa đạo cũng vơi dần trong trí nhớ của một cụ già 91 tuổi. Nhưng bài thơ về 12 anh lính họ Cù (thực ra họ Cù vừa là mật danh, vừa ngụ ý chỉ sự cần cù chịu khó của tổ đào địa đạo) luôn in sâu trong tâm trí ông Nguyễn Văn Lự: “… Dòng họ Cù ra đời trong khói lửa/ Dũng cảm cần cù đào địa đạo đánh Tây/ Những vị họ Cù gan góc hăng say/ Với những lưỡi cuốc đêm đêm khoan vào lòng đất…”. Nhiều sinh viên, học sinh khi đến tham quan nơi đây đã được nghe ông kể lại câu chuyện đời mình.

Được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1966, địa đạo Phú Thọ Hòa đang được Sở VH-TT-DL và Trung tâm Bảo tồn - phát huy giá trị di tích TPHCM tôn tạo, cải tạo không gian, cảnh quan nhằm phát huy tốt hơn nữa giá trị của một di tích lịch sử.

Minh An

Tin cùng chuyên mục