Lý giải sự thần kỳ châu Á

Đối thoại với Lý Quang Diệu, Đối thoại với Mahathir Mohamad, Đối thoại với Thaksin Shinawatra, Đối thoại với Ban Ki-moon thuộc dự án sách “Những người khổng lồ châu Á” của Tom Plate, nhà báo, giáo sư Đại học Loyola Marymount, người Mỹ, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Loạt sách là một hiện tượng xuất bản ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Điều gì làm nên thành công ấy?
Lý giải sự thần kỳ châu Á

Đối thoại với Lý Quang Diệu, Đối thoại với Mahathir Mohamad, Đối thoại với Thaksin Shinawatra, Đối thoại với Ban Ki-moon thuộc dự án sách “Những người khổng lồ châu Á” của Tom Plate, nhà báo, giáo sư Đại học Loyola Marymount, người Mỹ, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Loạt sách là một hiện tượng xuất bản ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Điều gì làm nên thành công ấy?

Những khoảnh khắc vàng

Với những quyển sách trong bộ Những người khổng lồ châu Á, mức độ hợp tác, sự kiên nhẫn và thẳng thắn một cách chân thành là yếu tố chủ đạo trong phương pháp đối thoại giữa người hỏi và người trả lời để cung cấp các giá trị căn bản.

“Lúc chúng tôi không còn nói chuyện trước bốn chiếc máy ghi âm nữa, tôi nhớ là Lý Quang Diệu có thì thầm với tôi: Tom này, trong sách phải có sự phê phán, có chi tiết tiêu cực. Tôi biết, anh đừng lo cho tôi. Anh cứ viết về tôi đúng như những gì anh thấy. Đừng lo ngại về hậu quả. Anh hãy nói sự thật, anh thấy thế nào thì viết thế ấy. Đó là tất cả những gì tôi cần”, Tom Plate kể. Và cũng nhờ sự thẳng thắn giữa hai người như thế nên ông đã có những nét khắc họa rất hay về Lý Quang Diệu.

“Tôi gợi ý cho ông chú ý đến một bài xã luận nổi tiếng từ mấy chục năm trước của một chuyên gia đã quá cố của Đại học Oxford có tên là Isaiah Berlin. Berlin viết về cách thức phân loại những nhân vật lịch sử vĩ đại. Ông chia họ thành hai nhóm chính, tương tự như truyện cổ Hy Lạp về nhím và cáo. Nói cách khác, câu hỏi chính ở đây là: Lý Quang Diệu là nhím hay là cáo? Lý Quang Diệu nghe rất chăm chú, rồi ông thở dài, siết chặt hơn tấm chườm nóng trên chân phải và nói: “Tôi không tư duy theo cách đó. Tôi không giỏi triết học và các học thuyết. Tôi có quan tâm, nhưng cuộc đời tôi không bị chi phối bởi triết học và các học thuyết. Tôi làm việc, còn rút ra quy luật từ những thành công đó là nhiệm vụ của người khác…”.

Mahathir Mohamad thì lúc nào cũng hòa nhã và hợp tác với tác giả trong suốt bốn cuộc trò chuyện và dường như luôn muốn giúp ông viết nên quyển sách này càng chân thật và hữu ích càng tốt. Và kết quả của những lần trò chuyện ấy là khắc họa của ông: “Về mặt tích cực, Dr M đã trao cho thế giới một thông điệp nhất quán của người Islam là: Không bạo lực trong nội bộ cộng đồng, không tư tưởng quá khích trong chính sách đối ngoại (đặc biệt, không dùng vũ lực quân sự để áp đặt bất kỳ hệ thống chính trị nào lên một quốc gia khác), khoan dung mọi tôn giáo (dù có hơi mạnh miệng công kích người Do Thái). Hãy phát triển kinh tế, đừng gây chiến tranh, tôn trọng tự do tôn giáo…”.

Còn hầu hết các cuộc đối thoại với Ban Ki-moon đều được Tom Plate thực hiện ở căn phòng khách tĩnh lặng tại căn nhà của ông ở New York (Mỹ). Ở đó, họ đã có - sau nhiều tháng trời - bảy cuộc nói chuyện liên tiếp, không ngắt nghỉ trong vòng hai giờ và kết thúc vào tháng 3-2012. Ngoài ra, họ cũng có những cuộc trao đổi không chính thức khác, trong những bữa ăn tối, những khu vui chơi giải trí xung quanh Manhattan. “Rất nhiều người nhắc nhở tôi rằng đây là một trong số những công việc khó khăn nhất thế giới. Bây giờ thì tôi đã hiểu, sau khi đảm nhiệm công việc này, đó thực sự là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi cũng hay nói đùa với các nước thành viên và bạn bè của mình rằng, nhiệm vụ của tổng thư ký là biến những điều không thể thành có thể… Đó là những gì tôi đang cống hiến - dù tôi bình thường hay điên rồ đi chăng nữa”, Ban Ki-moon trải lòng.

Bìa ba cuốn sách Đối thoại với Lý Quang Diệu, Đối thoại với Mahathir Mohamad, Đối thoại với Ban Ki-moon ấn bản tại Việt Nam.

Bìa ba cuốn sách Đối thoại với Lý Quang Diệu, Đối thoại với Mahathir Mohamad, Đối thoại với Ban Ki-moon ấn bản tại Việt Nam.

Lý giải bước phát triển của châu Á

Loạt sách được khởi đầu từ mùa thu năm 2008, khi nhà xuất bản Marshall Cavendish liên hệ với ông Tom Plate và đề xuất ý tưởng làm một cuốn sách về Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore. Ý tưởng đưa ra là ông phải cố gắng để thấu hiểu được những suy nghĩ (đi vào tận cùng tâm trí) của nhà lãnh đạo châu Á kiệt xuất qua một loạt cuộc đối thoại cởi mở nhưng có chút thân mật. Tom Plate ngay lập tức tán thành ý tưởng này. Sau rất nhiều lần bàn thảo, họ quyết định phát triển ý tưởng thành một loạt sách nhằm giúp độc giả hiểu được tại sao châu Á đã có những bước phát triển nhanh chóng, đồng thời sẽ cung cấp những thông tin nguồn quan trọng cho các nhà sử học tương lai.

Về thời gian hoàn thành một cuốn sách, Tom Plate cho biết: “Với Lý Quang Diệu và Mahathir, tôi mất sáu tháng. Nhưng với hai nhân vật này tôi đã từng gặp hơn một lần và hiểu khá rõ về bối cảnh chính trị. Với Thaksin, phải mất thời gian dài hơn bởi vì trước khi bắt tay viết cuốn sách, tôi chưa từng gặp ông. Tôi đã phải đọc rất nhiều tài liệu về chính trị Thái Lan bởi tôi chẳng biết gì về chính trị Thái cả. Có lẽ mất nhiều thời gian nhất là cuốn viết về Ban Ki-moon bởi tôi cứ gia hạn lần này lần khác và áng chừng mất khoảng hai năm. Chốt lại câu trả lời dễ nhất là: tôi có thể viết một cuốn sách trong khoảng sáu tháng nếu tôi không mất quá nhiều thời gian vào công việc giảng dạy ở trường đại học”.

Theo tiết lộ của Tom Plate, “Người khổng lồ châu Á” tiếp theo vẫn đang được thảo luận kín, nghiêng về một nhân vật tôn giáo, nhằm phản ánh những vấn đề phi chính phủ trong sự trỗi dậy của châu Á. Xa hơn, tham vọng của ông là một ngày nào đó sẽ xuất bản được những cuốn sách về một nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, và chắc chắn (cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng) là một nhà lãnh đạo Việt Nam.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục