Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Tại khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, pháp luật hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Do chưa có quy định cụ thể về trường hợp vợ chồng đang nhờ người mang thai hộ thì người chồng có được ly hôn không, nên trường hợp này sẽ áp dụng theo quy định chung về ly hôn.
Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ đối với con chỉ phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra (khoản 2, Điều 98).
Theo những quy định trên, có thể hiểu rằng chỉ từ thời điểm đứa trẻ được sinh ra thì đứa trẻ đó mới được xác định là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Vì trên thực tế người mang thai và sinh con là người mang thai hộ, nên trong khoảng thời gian đang nhờ mang thai hộ, người vợ không được xác định là người đang mang thai và sinh con.
Do vậy, có thể hiểu rằng trước khi đứa trẻ được sinh ra, người chồng hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn với người vợ của mình, không liên quan khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai.
Thiết nghĩ, khi nhờ người mang thai hộ, mặc dù người vợ không mang thai, sinh con, nhưng sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi ra đời. Vì lẽ đó, pháp luật cần quy định chặt chẽ và thống nhất hơn về vấn đề này.
Cụ thể, cần hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng ngay cả trong trường hợp vợ chồng đang nhờ người mang thai hộ, để từ đó đảm bảo quyền lợi của người vợ và đứa trẻ một cách toàn diện trong quan hệ hôn nhân và gia đình.