Lý Sơn trước nguy cơ bị “băm nát”: “Cởi trói” cho Lý Sơn

Các chuyên gia nhìn nhận rằng, đảo Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng bởi sức phát triển “nóng” về kinh tế, du lịch. 
Vị trí dự kiến triển khai dự án khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes
Vị trí dự kiến triển khai dự án khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes

Muốn “cởi trói” cho Lý Sơn, mọi quyết định về số phận của hòn đảo cần được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực.

Loại bỏ tư duy “ăn xổi”

Do không gian của đảo Lý Sơn nhỏ, trong khi đó dân số hòn đảo hiện tại là trên 21.000 người, đảo đang đối mặt với nhiều vấn đề như nguồn nước ngọt, nước sạch, rác thải môi trường, nghĩa trang, cơ sở hạ tầng,… Dự báo lượng du khách đến đảo tiếp tục tăng cao sẽ gây ra nhiều áp lực cho chính quyền và người dân.

PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, thẳng thắn nhìn nhận: “Phải xác định cái mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi là gì? Bởi, vai trò của Lý Sơn rất quan trọng cho tỉnh Quảng Ngãi không chỉ về hệ sinh thái biển, văn hóa, mà nó còn là truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo, là vùng có vị thế chiến lược về an ninh quốc phòng cực kỳ quan trọng. PGS-TSKH Nguyễn Tác An cho rằng mọi thứ ở đảo Lý Sơn đang được tiến hành theo kiểu chắp vá lặt vặt, chỉ thỏa mãn cho một số doanh nghiệp nào đó”.

Còn TS Nguyễn Xuân Nam, Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT), nêu ý kiến: “Trên thế giới, nếu là hòn đảo đủ lớn như đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo Hawaii (Mỹ), người ta phân hẳn ra một vùng chuyên về nhà nghỉ, khách sạn; còn một vùng rộng lớn khác thì được bảo tồn rất nghiêm ngặt để cho khách tham quan. Còn ở đảo Lý Sơn thì diện tích rất nhỏ, vì vậy việc xây dựng các khu đô thị, nhà nghỉ nên triển khai trong đất liền, còn ngoài đảo thì nên để nguyên vẹn. Đối với những đảo địa chất núi lửa như Lý Sơn thì không nên thực hiện các dự án lấn biển. Bây giờ ở tầng đáy còn biết bao nhiêu san hô sống, địa chất quý giá. Nếu lấn biển thì sẽ phá hủy các rạn san hô, rong biển. Sau này lại phải có thêm các dự án phục hồi, rất tốn kém”.

PGS-TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu & Giảng dạy “Môi trường và Tài nguyên sinh vật” Đại học Đà Nẵng, nêu rằng: “Không nên kè chống, cơi nới đảo một cách cưỡng bức kéo theo sự phá vỡ quần thể san hô phía dưới. Cần nhận thức rằng, Lý Sơn nếu giữ là còn và phát triển; nếu lấn, kè, cơi nới là sẽ mất đi. Chúng ta cần phải theo tự nhiên, vận theo tự nhiên để phát triển chứ không phải chống lại, điều chỉnh tự nhiên. Mọi quyết định rất cần phải cân nhắc thận trọng, nếu để sai lầm là rất khó sửa”.

Bảo tồn cũng là phát triển

PGS-TSKH Nguyễn Tác An lưu ý thêm, bảo tồn cũng là một dạng kinh tế. Chúng ta không nên có suy nghĩ nhầm lẫn rằng, bảo tồn không phải là phát triển. Chính xác, nếu bảo tồn được nguyên vẹn tạo dấu ấn riêng biệt thì nó còn mang lại lợi ích kinh tế lớn gấp bội lần so với đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ,... Ví dụ như ở cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc đã trở thành di sản của quốc tế rồi thì bây giờ người ta phát triển rất bền vững. Thương hiệu của  Đồng Văn - Mèo Vạc được thế giới ưa chuộng. Kinh tế bảo tồn là kinh tế bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng, người dân.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nêu rõ: Phát triển đảo Lý Sơn cũng nên gắn chặt với bảo tồn. Chiến lược, triết lý phát triển của Lý Sơn sẽ tập trung phát triển kinh tế biển và du lịch là mũi nhọn. Quan điểm của địa phương là phải giữ nguyên hiện trạng và đảm bảo các vấn đề về sinh thái, địa chất, địa mạo,… theo quy định của môi trường biển và các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh.

PGS-TS Võ Văn Minh góp ý thêm, cần phải xác định được đối tượng du lịch đến đảo Lý Sơn, ưu tiên cho những “du khách văn minh”. Đến với Lý Sơn là để khám phá vẻ đẹp tự nhiên của biển, đảo; khám phá kho tàng tri thức dân gian, văn hóa truyền thống của người dân bản địa; tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, gìn giữ Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam… Và xa hơn là để nghiên cứu về tự nhiên, về mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân, về vai trò của biển, tìm hiểu về “những rừng nhiệt đới tự nhiên trong lòng biển”; tìm hiểu về nền nông nghiệp hữu cơ trên đảo núi lửa… Chính những “du khách văn minh” sẽ chấp nhận trả phí để bảo tồn thiên nhiên, văn hoá và trải nghiệm cuộc sống biển đảo.

Ông Minh kêu gọi, cần xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, trong đó chính quyền là 1 mắt xích, không phải là người có quyền quyết định tuyệt đối. Quá trình quản lý, từ lập kế hoạch, thực hiện, giám sát phải có cộng đồng tham gia. Về phía Trung ương, cũng cần ban hành một nghị quyết chuyên đề về Lý Sơn. Tiếp theo đó, địa phương sẽ triển khai với sự tư vấn của một bên thứ 3 là một tổ chức chuyên môn có kinh nghiệm và uy tín. Xây dựng quy chế, quy định; thiết lập mạng lưới truyền thông, hệ thống giáo dục, đào tạo cho các bên đồng tham gia… Tất cả sẽ được xây dựng một cách đồng bộ có lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tế.

Tin cùng chuyên mục