Má Hai

Má Hai

Má biết con hạnh phúc xiết bao khi cu Cún bập bẹ gọi “má Hai” rồi sà vào lòng con nũng nịu. Má biết con tự hào vô cùng khi nhìn Cún khôn lớn từng ngày. Má biết món quà quý giá mà con muốn đón nhận từ đứa cháu gọi con bằng cô không gì hơn là hai tiếng “má Hai” ngọng líu.

Ảnh minh họa. Nguồn: FOTOSEARCH

Ảnh minh họa. Nguồn: FOTOSEARCH

Nhà mình, từ ngày có Cún, mọi người vui hơn, gần gũi và cởi mở với nhau hơn. Nhất cử nhất động của Cún đều là khởi đầu của những đề tài bất tận. Chỉ cần về đến cửa, thấy cu cậu nhún nhảy mừng rơn thì ai cũng muốn ào đến bồng bế, vùi mặt vào cổ thằng bé hun chùn chụt để được nghe tiếng cười khanh khách của cu cậu.

Ai cũng thích chơi đùa với Cún, nhưng chăm sóc Cún thì không ai qua “má Hai”. Lẽ dễ hiểu, từ ngày có Cún, thấy ba má Cún vất vả hơn và có phần lúng túng trong vai trò mới, con - dù chưa có gia đình riêng, nhưng lại là chị Hai thương em, quý cháu, đã nhiệt tình san sẻ phần chăm sóc Cún.

Thoạt đầu con chỉ muốn phụ một tay nhưng càng ngày ba má Cún không biết phải làm gì ngoài việc đi làm về ôm đứa con thơm tho, no đủ chơi đùa rồi lăn ra ngủ. Thấy thế, con càng tỏ rõ sự không yên tâm trong cách chăm sóc con của ba má Cún nên càng lo cho Cún chu đáo hơn như để bù đắp. Mà Cún có thiếu thốn điều gì để con phải chăm chút cháu đến vậy?

Con biết không, làm như vậy vô tình con đã khiến cháu “quên mất” ba má nó mà chỉ biết đến “má Hai” trong mọi chuyện vui buồn. Trách chi ba má nó luôn tròn mắt khi nghe chuyện của con trai mình. Quan trọng hơn, con đã trả lại những tháng ngày son rỗi cho ba má Cún khiến các em con đôi lúc quên bổn phận và trách nhiệm của những người có con cái.

Không đúng đâu con à, bởi sự quan tâm thái quá của con đã làm thui chột bản năng của những người làm cha làm mẹ được hình thành từ sự chăm bẵm con trẻ hằng ngày, con có biết?!

Diệu Đoan

Tin cùng chuyên mục