Mang chữ cho em

“Thầy ơi, bắt đầu học chưa thầy?”, “Sáng nay con dậy sớm lắm!”, “Bữa nay con nghỉ bán vé số một buổi đợi cô qua dạy nè”, “Nay mình học tới bài gì vậy cô?”… Tiếng bé Nghi, bé Ngọc và 6-7 em nhỏ nơi khu nhà trọ lụp xụp, cũ kỹ của xóm lao động nghèo ở phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) rộn ràng khi buổi học sắp bắt đầu. 

Niềm vui xóm nhỏ

Mấy tuần qua, cứ tới thứ bảy, chủ nhật, xóm nhỏ lao động ở đường số 44 này lại có sự hiện diện của các bạn trẻ đến dạy học cho con nít. Họ đa phần là sinh viên năm nhất các trường đại học tại TPHCM tham gia chương trình “Gia sư áo xanh”.

Lớp học đơn sơ là căn phòng trọ nơi gia đình chị Lý Thị Ngân (31 tuổi, quê Cà Mau) đang thuê ở. Biết có thầy cô tới mở lớp cho đám nhỏ, người lớn trong dãy nhà trọ vui mừng chạy chỗ này chỗ kia kiếm mấy cái bàn ghế nhựa, sao cho thầy trò có chỗ ngồi tươm tất. Tiếng thầy cô chỉ vẽ, tiếng đọc bài, tiếng tụi nhỏ thắc mắc đủ điều về bài học rộn cả xóm trọ.  

Mang chữ cho em ảnh 1 Lớp học “Gia sư áo xanh” ở xóm lao động phường Thảo Điền (TP Thủ Đức)

Bồng đứa con 1 tuổi trên tay, chị Lý Thị Ngân cho biết có gửi 2 con Võ Văn Nhân (11 tuổi), Võ Quách Nhẫn (10 tuổi) vào lớp học. Cả dãy trọ phòng nào cũng nhỏ, lại ở đông người nên khi biết có chương trình dạy học, gia đình chị tận dụng chỗ trống lớn nhất trong phòng mình làm lớp học.

“Nhà tui có 5 đứa nhỏ, đứa lớn nhất 11 tuổi. Tụi nhỏ không đứa nào có giấy khai sinh hết, nên đó giờ đâu có được đi học ngày nào. Bữa dẫn thằng con đi chợ, thấy đám nhỏ ngoài đó xúng xính đi học, nó níu tay kêu “Mẹ, mẹ… cho con đi học đi”, nghe mà rớt nước mắt!”, chị Ngân kể. Bởi vậy, khi có thầy cô tình nguyện đến xóm trọ dạy học, chị và nhiều gia đình mừng lắm. 

Thấy con gái Quách Thảo Nghi (12 tuổi) cầm tập vé số đứng xớ rớ trước cửa lớp học, vừa muốn vào vừa ngần ngừ không muốn mất một buổi đi bán, anh Quách Văn Hiếu (40 tuổi, cha của bé) đưa tay đẩy nhẹ lưng con: “Vô học trước đi con, học xong rồi đi bán chứ tiếc gì nè!”. Quay ra bên ngoài, anh cho biết cả 3 đứa con anh đều đang học bên trong. Vợ chồng anh dắt díu nhau từ Bạc Liêu lên đây mới hơn 1 năm, các con lần lượt theo lên, bỏ trường bỏ lớp, dang dở việc học.

Anh nói: “Gia đình tui ở quê làm sò giống thất bại, sống không nổi mới lên đây. Vợ và con gái đi bán vé số, còn tui ai kêu gì làm nấy. Nói chung bà con ở xóm trọ toàn làm thuê làm mướn, đi dọn rác bằng xe kéo, nhiều gia đình sa cơ lỡ vận, từ dưới quê xa lên không có điều kiện cho con cái đi học”.

Hướng ánh nhìn vào mấy đứa nhỏ trong lớp, mắt anh rơm rớm: “Tụi nó được học như vầy, biết thêm chữ này chữ kia tui cũng mừng. Ở đây, tui có dò hỏi, nếu gửi 3 đứa đi học phải tốn cả chục triệu đồng mỗi tháng, số tiền quá lớn nên đành chịu. Giờ có mấy thầy cô đến dạy như vầy, bọn nhỏ mừng một, người lớn mừng tới mười lận”. 

Lan tỏa dài lâu

“Gia sư áo xanh” là hoạt động tình nguyện do Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM phối hợp Ban Công nhân lao động Thành đoàn, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, nhằm phụ đạo kiến thức thường xuyên, hỗ trợ con em công nhân và con em gia đình hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên tình nguyện được giới thiệu đến các khu lưu trú công nhân để tổ chức các lớp gia sư trong suốt năm học. Chương trình được duy trì suốt 8 năm qua, tích cực lan tỏa trong cộng đồng.

Tham gia dạy học tại phường Thảo Điền, Nguyễn Thị Kiều Oanh (Trường Đại học Công nghệ TPHCM) cho biết, nhóm sinh viên dạy ở đây có 12 người, phân chia nhau sắp xếp lịch dạy.

Kiều Oanh xúc động nói: “Lúc đầu không hình dung nhiều bé 11-12 tuổi rồi mà không biết đọc chữ, thậm chí nhiều bé không có giấy khai sinh. Nếu có duyên, em muốn đồng hành thời gian dài cùng các bé”.

Nguyễn Tuấn Huy, bạn cùng trường với Oanh, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em làm thầy các bé. Tới đây dạy mới thấy mình còn may mắn hơn nhiều người và càng hiểu thêm ý nghĩa của chương trình “Gia sư áo xanh”. Năm sau có điều kiện, em nhất định sẽ tham gia tiếp”.

Anh Trần Lê Hồng Long, Phòng Hỗ trợ đời sống - Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM, cho biết, trước khi triển khai rộng rãi chương trình, ban tổ chức đã khảo sát nhu cầu của gia đình công nhân ở các khu lưu trú và gia đình khó khăn khác. Ban tổ chức vẫn đang tiếp nhận đăng ký của các khu lưu trú, khu nhà trọ công nhân và gia đình khó khăn có con em đang trong độ tuổi đi học. “Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp, chương trình tập trung đầu tư chất lượng gia sư đứng lớp, đa dạng hình thức dạy học. Đối với các lớp học trực tiếp, chú ý số lượng học sinh phù hợp với tình hình dịch. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ mở các lớp kỹ năng, năng khiếu miễn phí; phối hợp các đơn vị ở nhà thiếu nhi quận huyện tổ chức lớp kỹ năng phòng vệ, thoát hiểm, ứng xử văn minh, sử dụng mạng xã hội…”, anh Hồng Long chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục