Mạng lưới phát hành về miền núi, nông thôn gặp khó

Sáng 9-3, tại TP Huế, Bộ TT-TT và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2018.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2017 tiếp tục đánh dấu sự thay đổi, chuyển biến của ngành xuất bản theo hướng ngày càng tích cực. Các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận.
Trong đó, năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản 62.800 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 387 tên xuất bản phẩm điện tử. Với xuất bản phẩm dạng sách in, đã xuất bản 30.851 cuốn với 312.510.500 bản; xuất bản phẩm dạng điện tử: 217 xuất bản phẩm với 3.757.261 lượt bán; các xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại: 1.800 xuất bản phẩm với 33.000.000 bản; mức hưởng thụ bình quân đạt khoảng 3,3 bản sách/người/năm.
Hiện mạng lưới phát hành xuất bản phẩm tại một số khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bị thu hẹp, một số nơi bị thu hồi hoặc giải thể.
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Phuông cho rằng, các nhà xuất bản, đặc biệt là lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản cần quán triệt ý thức làm sách là làm tư tưởng - văn hóa, là đưa tri thức đến với xã hội, là xây dựng đạo đức, phát triển nhân cách của mỗi người, là cầu nối để Việt Nam hội nhập với thế giới…. Để làm được điều này, các nhà xuất bản cần thực hiện nghiêm quy trình xuất bản, quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết, chấm dứt tình trạng buông lỏng để đối tác liên kết chi phối…
Theo Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn, cùng với sự phát triển chung của đất nước, ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều cố gắng. Đội ngũ biên tập viên nhà xuất bản đã được chuẩn hóa, đào tạo bài bản và không ngừng được trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị. Hiện đã có gần 1.300 biên tập viên trên cả nước được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Tuy nhiên, để có những bước phát triển tiếp theo và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng xuất bản, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu ngành xuất bản cần có sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chủ quản trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của nhà xuất bản; cần xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực cho toàn ngành; các cơ quan chủ quản, các cơ quan, ban ngành, các địa phương thời gian tới cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động xuất bản theo đúng tinh thần của Luật Xuất bản 2012, Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản Luật, Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh theo hướng cắt giảm, bãi bỏ những quy định, điều kiện, thủ tục không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động xuất bản, in và phát hành. 

Tin cùng chuyên mục