Mang sách về làng

Hơn 14 năm qua, thông qua Quỹ JOY (Journey Of Youth Foundation), Nguyễn Siêu Hạnh (sinh năm 1987) đã thực hiện nhiều dự án và hoạt động thiện nguyện ý nghĩa dành cho cộng đồng. Mới đây, anh vừa cùng JOY mang hơn 5.000 quyển sách đến với các em nhỏ ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).
Các em nhỏ ở Đất Bằng (Krông Pa, Gia Lai) vui mừng trước món quà là những đầu sách mà JOY mang tới
Các em nhỏ ở Đất Bằng (Krông Pa, Gia Lai) vui mừng trước món quà là những đầu sách mà JOY mang tới

Hoạt động thiết thực

Được khởi động từ ngày 5-9, với mục tiêu là 1.000-2.000 cuốn sách, tuy nhiên một bất ngờ đã đến với Nguyễn Siêu Hạnh khi kết thúc thời gian vận động, dự án Sách về làng đã nhận được hơn 5.000 cuốn sách. “Từ trước tới nay, JOY chủ yếu thực hiện các dự án về nước sạch và trồng rừng, những người ủng hộ cho JOY trong nhiều năm qua vẫn thường theo dõi những hoạt động đó. Còn dự án Sách về làng chỉ mới khởi động từ tháng 9 năm nay, nhưng bất ngờ là mọi người hưởng ứng mạnh và vượt qua sự mong đợi của chúng tôi”, Nguyễn Siêu Hạnh chia sẻ.

Vào dịp Trung thu năm nay, Hạnh và các thành viên của JOY đã mang sách đến với các em nhỏ xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, Gia Lai). Ngoài ra, quỹ còn phân phối sang các điểm trường khác ở huyện thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là Huyện đoàn Krông Pa, JOY cùng với đối tác và tình nguyện viên đã tổ chức vui chơi Trung thu và trao hàng trăm món quà cho trẻ em. “Vào đêm Trung thu, lồng đèn truyền thống được thắp sáng lung linh giữa buôn làng. Nhìn các em nhỏ ngây thơ, ngơ ngác, vui mừng khi cầm đèn Trung thu trên tay, tôi vừa xúc động vừa vui. Mấy anh chị địa phương còn huy động một đội cồng chiêng đến biểu diễn. Đó là một trải nghiệm rất thú vị”, Nguyễn Siêu Hạnh nhớ lại.

Nguyễn Siêu Hạnh là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019. Năm 2009, anh cùng một số bạn bè thành lập Journey Of Youth với khoảng 20 thành viên nòng cốt cùng hơn 1.000 tình nguyện viên ở khắp nơi.

Hiện nay, JOY thực hiện song song 3 dự án: Sách về làng, Nước sạch cho vùng cao và Vườn rừng. Riêng dự án Nước sạch cho vùng cao, tính đến nay đã có hơn 30 công trình (mỗi công trình trị giá khoảng 240 triệu đồng) được lắp đặt ở Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum; các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).

Trong số hơn 5.000 cuốn sách, Hạnh và các thành viên của JOY tập trung vào các đầu sách liên quan đến môi trường, hướng dẫn người dân và các em nhỏ cách sống thân thiện và thực hành lối sống gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, quỹ còn mua thêm sách giáo khoa, truyện tranh thiếu nhi để các em có điều kiện học tập và giải trí lành mạnh sau giờ học.

Lần thứ hai tham gia vào hoạt động của JOY với tư cách là tình nguyện viên, bạn Trần Quốc Bảo (sinh năm 2001, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Sách về làng là một dự án rất thiết thực, vì trên đó cuộc sống của các em nhỏ còn nhiều thiếu thốn. JOY đã làm cầu nối giúp các em có đủ điều kiện để đi học, cũng như đem những cuốn sách lên giúp các em có thêm kiến thức về môi trường. Sau chuyến đi, em cảm thấy mình cần tham gia những hoạt động như thế này nhiều hơn, không chỉ để giúp các em khó khăn hơn mình mà còn giúp chính mình có thêm những trải nghiệm quý giá, thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”.

Có làm sẽ có hy vọng

Nguyễn Siêu Hạnh chia sẻ, bản thân anh cũng là người chịu tác động tích cực từ việc đọc sách. Việc đọc giúp anh có những nền tảng kiến thức, cũng như thôi thúc anh làm gì đó để đóng góp cho cộng đồng. “Khi đặt tủ sách ở mỗi ngôi làng, mình sẽ góp phần cùng nhà trường và chính quyền địa phương thúc đẩy việc phát triển cộng đồng ở đó một cách bền vững”, Nguyễn Siêu Hạnh bày tỏ.

Sách về làng được JOY xác định là dự án lâu dài, song song với dự án Nước sạch cho vùng cao và Vườn rừng mà quỹ đang theo đuổi trong nhiều năm qua. Theo đó, ở mỗi ngôi làng có dự án về nước sạch và trồng rừng cũng sẽ có một tủ sách được đặt ở thư viện của trường hoặc ngay trong mỗi lớp học. “Tôi nghĩ rằng, tủ sách không phải là giải pháp cho mọi thứ nhưng nó sẽ là mảnh ghép nhỏ trong việc cùng chính quyền địa phương và nhà trường giáo dục cho các em nhỏ cũng như cho cộng đồng có cách nhìn khác về môi trường, thân thiện và bền vững hơn”.

Nguyễn Siêu Hạnh thừa nhận, cái ăn cái mặc còn là thách thức với những người dân nghèo nên chuyện sách vở vẫn đang là thứ yếu, không phải ưu tiên hàng đầu. “Cho nên, khi triển khai dự án, tôi mong nhà trường, các thầy cô cùng chung tay và hỗ trợ để việc đọc của các em đạt hiệu quả cao nhất. Tôi nghĩ, có làm sẽ có hy vọng, nếu đặt ra quá nhiều trở ngại, mình sẽ không làm và cuối cùng không có gì diễn ra cả”, anh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục