Tản văn

Mây trắng mỗi phận người

Bước qua tuổi 30, nửa đời người rồi, tôi bắt đầu ưu tư hơn. Cái ưu tư về đóng góp cá nhân và tương lai dân tộc rất dễ bị coi là dở-hơi-to-tát. Thú thật tôi ưu tư lắm. Khi trạc như tôi, Vũ Trọng Phụng đã từ giã trần thế với một sự nghiệp đồ sộ. Khi trạc như tôi, Lỗ Tấn mới từ Nhật trở về Trung Quốc và chưa viết lách gì, đến khi hưởng dương 56 tuổi đã trở thành một tác gia lừng lẫy.

Hai nhân vật có số phận trái ngược nhau khiến tôi không thể không tự vấn: mình có tài không, mình thao thức gì, mình lao động ra sao? Càng nghĩ càng xao xác, càng nghĩ càng thấm thía một trong bảy điều di chúc của người viết “AQ chính truyện”, rằng: “Con lớn lên, nếu không có tài thì tìm một công việc gì mà sinh sống, nhất thiết đừng làm một nhà văn hay một nhà mỹ thuật đầu óc rỗng tuếch”.

Nghề văn hay nghề nào khác cũng vậy, muốn đi xa phải biết khao khát và trầm tích. Thế hệ tôi vào đời giữa kinh tế thị trường bỗng thấy sức mạnh ghê gớm của đồng tiền chi phối lên ước mơ, chi phối lên hành động, chi phối lên tính cách. Có không ít người ngỡ mình thừa tri thức, chứ không ai tin mình thừa tiền. Nói ra có vẻ lý tài, nhưng không thể phủ nhận đôi khi đồng tiền ám ảnh giới trẻ chúng tôi. Xuôi ngược kiếm tiền, vật vã vì tiền, hai khái niệm “lập thân” và “lập nghiệp” có vẻ xa rời nhau.

Tôi vốn ngưỡng mộ một anh bạn, vì đẹp trai và đàn giỏi hát hay nên có được cô bạn gái rất xinh. Tôi đã từng chuẩn bị tâm lý để dự đám cưới của họ. Vậy mà, đùng một cái, cô gái kia bỏ anh bạn tôi để lên xe hoa với một chàng trai khác? Tiếng sét ái tình ư? Chàng trai lạ mặt đến sau chẳng giỏi giang gì và xấu trai hơn anh bạn tôi rất nhiều. Chàng trai lạ mặt đến sau có một ưu điểm duy nhất là con của một đại gia ngành ngân hàng.

Bị người yêu gắn bó hơn 6 năm quay lưng với câu phân bua ngắn gọn: “Em không thể cưới anh để sống trong căn hộ chung cư cũ kỹ vỏn vẹn mấy chục mét vuông!”, anh bạn tôi đau lắm. Tôi đem mối tình lâm ly được chứng kiến ra “kiếm chuyện làm quà” với một cô người mẫu. Che miệng khúc khích, cô người mẫu tỉ tê: “Giới chân dài tụi em chia đàn ông ra làm hai loại. Đàn ông ít tiền gọi là đàn ông tử tế, còn đàn ông chân chính thì trong túi có rất nhiều tiền!”. Hú vía, tôi cũng được xếp vào dạng đàn ông tử tế!

Phía sau lấp lóe đồng tiền còn có tiêu chuẩn thành đạt nào nữa không nhỉ? Có đấy, những thứ khuôn vàng thước ngọc có tên gọi rất cao sang nhưng cũng rất khó cân đong là trí tuệ, nhân phẩm, lương tri, khí phách… Mỗi người mỗi chọn lựa, và ai cũng có quyền ngước vọng mây trắng bay ngang đầu. Thật yếm thế, nếu dùng con mắt tiêu cực đánh giá những người bên cạnh chúng ta. Vui buồn mỗi người mỗi khác, có những hạnh phúc kỳ vĩ mà cũng có những hạnh phúc giản đơn.

Gần đây, tôi có quen một vị cán bộ trẻ, hiểu biết và bản lĩnh. Anh ấy chân thành: “Đọc thơ cậu rất mệt mỏi, cứ phải giải mã những ẩn ý này, hình tượng nọ!”. Tôi nghiêm túc trả lời: “Nếu anh quý mến tôi thì đừng đọc thơ tôi làm gì. Quỹ thời gian của mỗi người có hạn, đừng để bị phân tâm. Hãy dành thời gian mà anh định dùng đọc thơ tôi mà nghĩ về việc nhân rộng những nhân tố tích cực và đề phòng những kẻ bất tài cơ hội trong tổ chức anh đang phụ trách!”.

Anh ấy im lặng với một thiện chí lắng nghe, tôi không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng trút tâm sự: “Dù may mắn hay không may mắn, thì xã hội phát triển ngùn ngụt cũng đòi hỏi chúng ta nghĩ về nhà thơ chuyên nghiệp và chính khách chuyên nghiệp! Công việc có thể khác nhau, nhưng một người Việt tiến bộ thì trước khi có một hành động cụ thể phải hỏi xứ sở mình được gì, cộng đồng mình được gì, nhân dân mình được gì, chứ không thể ích kỷ cá nhân mình được gì!”.

Làm người, ai chẳng muốn hưởng thụ và an nhàn. Và khi tất cả theo đuổi hưởng thụ và an nhàn thì chuyện gì xảy ra? Trong nôn nao cuộc sống thay đổi từng ngày, tôi thấy đứa trẻ bận rộn gùi chiếc cặp ở đường phố thành thị hay đứa trẻ thong thả ôm con vịt trên bờ ruộng nông thôn đều sáng sủa và nhiều hứa hẹn hơn thế hệ tôi. Biết đâu, những đứa trẻ hôm nay lớn lên với những điều kiện thuận lợi nhất thì đến ngày nào đó sẽ mang một thương hiệu Việt, một sản phẩm Việt, một thành tựu Việt vươn xa khỏi biên giới Việt?… 

LÊ THIẾU NHƠN

Tin cùng chuyên mục