Vu Lan mùa báo hiếu, nhớ thương mẹ mình, tôi lần giở lại ký ức những nhà văn viết về hình ảnh thiêng liêng người mẹ. Làm sao chúng ta nên người, làm sao trở thành nhà văn nếu ai đó bất kính đối với đấng sinh thành…
1. Tôi nhớ một nhà thơ Nga từng viết đại ý: Thế gian đẹp nhất bông hồng/ Mẹ nghèo sinh những anh hùng, thi nhân. Hình ảnh người mẹ từ xưa đã đi vào văn học nghệ thuật, đặc biệt là thế giới thi ca với những ngôn từ đẹp nhất, thành kính nhất về đấng sinh thành. Nhà thơ Vũ Đình Liên cũng từng viết: Tôi nhớ mẹ tôi xưa/ Vất vả như bà Tú/ Nuôi chồng và con nhỏ/ Quanh năm miệng vẫn cười. Bà Tú mà tác giả Ông đồ nói đến là người vợ hiền của nhà thơ tiền bối Tú Xương ở Nam Định. Còn người mẹ nghèo vất vả của nhà thơ Vũ Đình Liên thì ở Hải Dương.
Từ quê hương lên Hà Nội học, dạy học và làm thơ, khi lớn tuổi “ông đồ” Vũ Đình Liên đã hối hận vì thấy mình giống như Tú Xương quá mê thơ mà có lúc lãng quên vợ, quên mẹ. Nhà thơ tâm sự: “Cái hình tượng tôi quý nhất là mẹ tôi, kế đến là vợ tôi. Nếu không có mẹ sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn, không có vợ chăm nom cho cái ăn cái uống, thì không ai thành nhà thơ, thành lãnh tụ. Muốn thành thần thánh thì cũng phải nhờ mẹ, nhờ vợ”.
Hình ảnh người mẹ không chỉ là ký ức thiêng liêng, mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo thường trực cho các nhà văn. Trong những lần tôi gặp gỡ, phỏng vấn các đồng nghiệp đi trước, người mẹ bao giờ cũng được họ nói đến đầu tiên với tất cả sự kính trọng, niềm thương yêu, nỗi đau đớn và tầm ảnh hưởng đối với cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của họ.
Minh họa: NGỌC THIỆN
2. Sinh ra ở một vùng quê cơ cực nhưng giàu truyền thống văn hóa ở Hà Tĩnh, tuổi thơ nhà thơ Huy Cận “tắm mình” trong những lời bình Kiều của cha và lời ru của mẹ. Ông đặc biệt yêu thích và sớm thuộc lòng bài ví dặm câu năm chữ xen những câu lục bát: Mẹ góa con côi do mẹ hát ru: Cực lòng mẹ quá con ôi/ Đi thời thương tiếc phải ngồi nuôi con/ Ru duyên hời, phận hỡi/ Ru duyên hời, phận hỡi/ Ru duyên hời, phận hỡi/ Ru con ăn con nhởi/ Ru non nước tình chung… Nhà thơ Huy Cận còn cho biết: “Bố tôi rất mê văn chương, thuộc Truyện Kiều kinh khủng và hay bình Kiều. Ban đêm, ông thường nằm nhà ngoài một mình đọc Kiều sang sảng, rồi tự bình như giảng bài cho ai vậy. Hàng xóm đều lắng tai nghe. Mẹ tôi cũng nghe, dù bà rất hay giận hờn bố tôi. Và giận thì giận, nhưng bà rất nể tài ông. Cũng chính nhờ vậy, mà đến sáng mai, không khí giữa hai người bớt căng thẳng...”.
Chính lời ru của mẹ và lời bình Kiều của cha đã hun đúc trong Huy Cận tình yêu quê hương và thấm đẫm tinh thần thể thơ lục bát, để sau này ông có những đóng góp lớn cho nền thi ca qua thể thơ truyền thống dân tộc. Trong đó, có bài thơ Mẹ ơi, đời mẹ đầy xúc động và cảm thông, chia sẻ, an ủi nỗi niềm của mẹ: Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều/ Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng/ Mà lòng yêu sống lạ lùng/ Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con… và để rồi: Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa/ Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều/ Cắn răng bỏ quá trăm điều/ Thủy chung vẫn một lòng yêu đời này/ Mẹ là tạo hóa tháng ngày/ Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.
3. Còn với nhà văn Kim Lân, do hoàn cảnh đặc biệt mà tình yêu thương đối với người mẹ càng day dứt, càng lớn lao. Chính số phận nghiệt ngã của mẹ mình đã góp phần giúp tác giả Vợ nhặt dựng nên một trong những tuyệt tác của văn học Việt Nam. Ông thổ lộ với tôi rằng: “Bà cụ Tứ trong Vợ nhặt chính là hình ảnh của mẹ tôi. Mẹ tôi là vợ ba của bố tôi, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng, làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng hết sức coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ là vợ của bố cả! Những người con hai bà lớn của bố tôi đều gọi mẹ tôi là “chị Tam”. Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên thật của mẹ, chứ không hề biết do mẹ tôi là bà Ba. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi mới biết mẹ tên là Náng (ông ngoại tôi tên Nếnh), còn dì tôi tên Mủng. Dì Mủng cũng chính là nhân vật dì Hân trong truyện Người chú dượng của tôi. Nếnh, Náng, Mủng - chỉ cái tên thôi cũng thấy cái thân phận thấp hèn, trôi nổi của dân ngụ cư lúc đó”.
Trò chuyện với tôi, nhà văn Kim Lân đã không cầm được nước mắt khi nhớ về thân phận của người mẹ bất hạnh ở đất Kinh Bắc. Ông còn cho biết thêm: “Truyện ngắn đầu tiên của tôi là Đứa con người vợ lẽ viết trước năm 1945 nói về nỗi cơ cực tủi hờn của mẹ con tôi, khi truyện in ra, ông anh Cả (con bà Cả) đọc được cứ theo chất vấn hạch sách tôi mãi... Chỉ khi có cách mạng thì mẹ con tôi mới thực sự đổi đời. Mẹ tôi có hai đứa con. Em gái tôi tham gia cách mạng trước tôi, về sau có chồng là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Em gái tôi trước đây cũng hầu hạ các anh chị con bà Cả”.
4. Ở phương Nam, từ rừng U Minh một mình lặn lội lên Cần Thơ học trung học, nhà văn Sơn Nam nhớ về người mẹ lam lũ từng chi tiết: “Quần áo được mẹ tôi may tay cho rẻ hơn mướn may máy. Trước khi đi học xa, mỗi năm về được có mấy tháng hè, mẹ tôi buồn buồn nhìn đứa con yêu quý là tôi, căn dặn nhiều lần… Ráng mà học cho vẻ vang dòng họ, mình là dân U Minh, ai cũng chê dốt nát, quê mùa, áo mốc, chân phèn”. Người mẹ còn nhắc nhà văn tương lai phải luôn nhớ ơn bà Cà Xúc, người phụ nữ Khmer góa chồng tốt bụng đã cho bú mớm, nhai cơm đút cho Sơn Nam ăn khi mẹ ruột bị đau nặng, không có sữa. Sau này, bà Cà Xúc tái giá nhưng vẫn luôn đến thăm, đưa Sơn Nam qua cầu khỉ đi học. Nhà văn Sơn Nam từng viết trong hồi ký rằng: “Năm đó, ở chùa Khmer xứ Sóc Xoài, chùa linh lắm, bày ra lễ Chô Thơ Mo, trước bệ Phật, tại chánh điện, người ta đào một lỗ khá to, nói là trẻ con muốn điều gì thì cha mẹ bỏ xuống lỗ những món có ý nghĩa, như cây kim, sợi chỉ để con gái may vá giỏi khi lớn lên. Người giàu sang thì bỏ xuống đó vài lượng vàng, vài chiếc cà rá, kiếp sau sẽ giàu hơn kiếp này. Bữa đó má bắt chước, nhờ con Cà Xúc mua cây viết, bình đựng mực, cái tập giấy để cho con tới đó bỏ xuống, trước bàn Phật, lấy phước trong cõi đời này”.
Cũng trong hồi ký, nhà văn Sơn Nam còn cho biết một chi tiết rất gần gũi, cảm động của người mẹ: “Lời dặn sau cùng mà mẹ tôi nhắc đôi ba lần là nên nhường nhịn bất cứ ai. Mình yếu đuối, ốm o thì nên tránh chuyện nổi nóng, chửi thề, đánh đấm. Đi học nơi xứ lạ quê người, rủi xảy ra bề gì, không ai bênh vực”. Có lẽ, nhớ lời mẹ dặn mà nhà văn Sơn Nam như tôi biết, dường như không nổi nóng hay gây chuyện với bất cứ ai, dù có những lúc ông bị xúc phạm. Và những lúc ấy, tức không chịu nổi thì mắt ông ngấn lệ, kể lại để chia sẻ với bạn bè và quá lắm thì ông chửi thề một tiếng rồi… cười. Vậy thôi! Tuy nhiên, không phải ông yêu ghét chẳng rạch ròi, thậm chí còn cực đoan, nhưng ông tế nhị không tỏ thái độ. Phong thái nhẹ nhàng của nhà văn Sơn Nam chẳng khác sự quyết liệt của nhà thơ Phùng Quán trong Lời mẹ dặn: Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu.
PHAN HOÀNG