“Mẹ là suối nguồn bao la…”

Chiều 11-12, chúng tôi tìm gặp họa sĩ Đinh Gia Thắng – “tổng công trình sư” công trình tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ - biểu tượng người Mẹ Việt Nam anh hùng, tại núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) khi anh vừa từ đám tang mẹ Thứ trở về.
“Mẹ là suối nguồn bao la…”

Chiều 11-12, chúng tôi tìm gặp họa sĩ Đinh Gia Thắng – “tổng công trình sư” công trình tượng đài mẹ Nguyễn Thị Thứ - biểu tượng người Mẹ Việt Nam anh hùng, tại núi Cấm (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) khi anh vừa từ đám tang mẹ Thứ trở về.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) được tỉnh Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động xây dựng với kinh phí 80 tỷ đồng. Tượng đài lấy nguyên mẫu mẹ Thứ - mẹ VNAH có 9 người con, 2 cháu ngoại và 1 con rể đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.

Để dựng tượng đài khổng lồ về người mẹ VNAH lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ, họa sĩ Đinh Gia Thắng đã mất nhiều năm sáng tác, phác họa, đi khắp nơi để chọn mẫu đá vừa ý. Họa sĩ Đinh Gia Thắng đã đặt tên cho “đại tác phẩm” của mình là “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận”.

Anh tâm sự: Để giành lấy độc lập cho dân tộc từ bàn tay kẻ xâm lược, hàng triệu người con Việt Nam đã cầm súng chiến đấu và ngã xuống. Trong sự hy sinh ấy, có công ơn lớn lao của những bà mẹ VNAH, những bà mẹ cả đời chịu thương, chịu khó, tần tảo nuôi nấng con khôn lớn bằng dòng sữa chắt chiu ngọt ngào, bằng hạt gạo thấm đẫm mồ hôi, nuôi nấng các con bằng tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, chí anh hùng sẵn sàng bảo vệ non sông đất nước. Khi Tổ quốc cần các mẹ cũng sẵn sàng hiến dâng những đứa con yêu quý để bảo vệ gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Và mẹ Thứ là tiêu biểu của những người mẹ anh hùng.

Mẹ Thứ và nỗi nhớ 9 người con hy sinh vì Tổ quốc.

Mẹ Thứ và nỗi nhớ 9 người con hy sinh vì Tổ quốc.

Tượng đài Mẹ VNAH mà họa sĩ Đinh Gia Thắng thể hiện được làm bằng 4.000m³ đá hoa cương, bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm mẹ VNAH ghi danh gần 50.000 bà mẹ VNAH và là nơi giới thiệu hình ảnh, cuộc đời, sự cống hiến của các bà mẹ VNAH đối với đất nước cũng như trưng bày những kỷ vật của các mẹ VNAH.

Khối tượng đài chính gắn kết với một hồ nước hình bán nguyệt rộng chừng 981m². Khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa, chính giữa toàn khối tượng đài là chân dung bán thân mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, thể hiện chiều sâu nội tâm: Mẹ nén lại những đau thương, mất mát lớn lao của người mẹ khi những người con đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, bằng một nghị lực phi thường. “Sự kết hợp giữa tượng đài chính với hồ nước lớn, tạo nên một hình ảnh hòa quyện của sơn - thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống các tầng hồ thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ hiền đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó như bát nước đầy không bao giờ vơi cạn...” -  họa sĩ Đinh Gia Thắng giải thích.

Kết thúc câu chuyện của tôi và họa sĩ Thắng, anh bảo: “Không biết tự bao giờ, mẹ Thứ đã trở thành người mẹ tinh thần của tôi. Những lúc vui nhất, những lúc buồn nhất tôi đều tìm đến mẹ… Nghe tin mẹ ngã bệnh vì tuổi già sức yếu, tôi chạy thẳng vào bệnh viện thăm mẹ. Thấy mẹ khỏe dần, tôi mừng lắm, nhưng… Tôi tiếc rằng mình chưa hoàn thành tâm nguyện là dựng xong tượng đài và mời mẹ về thăm…”

NGUYÊN KHÔI

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ gửi vòng hoa viếng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ

Ngày 11-12, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc… cùng nhiều bộ ngành TƯ, địa phương đã gửi vòng hoa viếng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

UBND huyện Điện Bàn và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tang lễ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ tại nhà của mẹ (xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Từ đêm 10-12, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã tìm đến viếng mẹ Thứ.

Tin cùng chuyên mục