Săn lùng quỹ đất
Một chỉ đạo mang tính bước ngoặt về khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga metro. Đó là tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã giao Sở QHKT khẩn trương thành lập Tổ công tác do giám đốc sở làm tổ trưởng, đề xuất, báo cáo trình UBND TP xem xét thông qua phương án khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro số 1. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, xác định ranh quỹ đất xung quanh các nhà ga trong phạm vi bán kính 500m - 800m; khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tình hình thực hiện các dự án đầu tư hiện nay; lập danh mục quỹ đất, xác định cụ thể diện tích, pháp lý từng khu đất. Việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch phải gắn kết với định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực. Đáng chú ý, Sở KH-ĐT được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất chính sách đầu tư đối với các quỹ đất nêu trên (kể cả phương án xã hội hóa) nhằm khai thác hiệu quả tối đa quỹ đất dọc tuyến metro số 1, giúp tăng nguồn vốn ngân sách cho thành phố.
TPHCM cần phải có quy hoạch phối hợp và thống nhất, liên kết giữa phát triển nhà ở với hệ thống giao thông công cộng, nếu không sẽ là thách thức lớn đối với sự thành công của hệ thống tàu điện trong tương lai. |
Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM), cho biết khu vực đất xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị thường được xem là “đất vàng”, “đất kim cương”, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản.
Giải pháp tổng thể
Theo thống kê của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trên địa bàn thành phố quy hoạch 14 tuyến đường sắt, trong đó có 2 tuyến monorail và một tuyến xe điện mặt đất. Tổng chiều dài các tuyến cộng lại là 219km, tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD. Hiện tại 3 tuyến metro số 1, số 2 và số 3 đã thu xếp được vốn, còn lại là đang tìm kiếm nguồn vốn hoặc hình thức đầu tư.
“Vốn vay ODA ngày càng khó khăn, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư là giải pháp đang được khuyến khích”, ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết. Do đó, việc khai thác nội lực từ metro, “lấy metro nuôi metro” là hết sức cần thiết. Giải pháp được đề xuất là, UBND TP cho phép chủ trương tiến hành lập thiết kế đô thị 1/2.000 xung quanh các nhà ga; giao Ban Quản lý đường sắt đô thị thuê tư vấn để rà soát quy hoạch sử dụng đất xung quanh các nhà ga; lập đồ án thiết kế đô thị 1/2.000 diện tích đất trong vòng khoảng 500m xung quanh các nhà ga; ưu tiên các tuyến đường sắt số 2, số 4 và số 5 - là những tuyến đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều. Đối với các tuyến khác, cũng cần có quy hoạch định hướng khai thác quỹ đất tại các nhà ga. Tiếp đó, Sở QHKT tham mưu UBND TP phê duyệt các đồ án thiết kế đô thị 1/2.000. Sau khi có quy hoạch, thành phố có kế hoạch khai thác các quỹ đất này song hành với việc đầu tư cho các tuyến metro.
Ngoài tác dụng tạo nguồn thu cho thành phố, việc khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga metro còn có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là “chống ế” cho metro! Theo TS Phạm Thái Sơn, giảng viên Trường Đại học Việt Đức, kết quả nghiên cứu của dự án hỗ trợ đặc biệt thực hiện dự án metro số 1 (thực hiện năm 2014) như sau, người dân thành phố chỉ đi bộ trong bán kính 300m để đến các nhà ga giao thông công cộng, còn người phương Tây là bán kính 800m. Thực trạng cho thấy, đối với bán kính 300m chỉ có 8% dân số sinh sống, xịch ra bán kính 500m sẽ tăng lên 21% dân số sinh sống, mở rộng bán kính lên 800m thì cũng chỉ tăng lên lên ngưỡng 37% dân số sinh sống. Trong khi đó, thống kê trên thế giới, bán kính từ nhà ga đến nhà dân càng gần thì tỷ lệ khai thác càng hiệu quả, nếu cách xa và phân tán thì kết quả ngược lại. Chưa kể, khi quy hoạch bài bản và việc phát triển đô thị được thực hiện đúng theo quy hoạch, TPHCM không chỉ khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến metro mà còn có thể tiến hành chỉnh trang đô thị dọc 2 bên. Có một thực tế hiện nay, trên nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt… dù được xây dựng mới rất to, đẹp nhưng nhiều nhà dọc đường vẫn “siêu méo”, “siêu dị dạng” và đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Còn theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, không chỉ được lợi về mặt kinh tế và chỉnh trang đô thị, phương án khai thác quỹ đất dọc hai bên đường còn giúp thành phố có cơ hội đầu tư bài bản, tập trung hệ thống hào kỹ thuật suốt dọc tuyến đường. “Tôi muốn nói tới cơ hội về kinh phí và cả cơ hội về mặt bằng xây dựng hào kỹ thuật đảm bảo đủ không gian cho hệ thống điện, cấp, thoát nước, cáp quang… hoạt động. Có được hệ thống hào kỹ thuật như vậy, khi cần, các cơ quan chuyên môn có thể sửa chữa, lắp đặt thiết bị kỹ thuật một cách dễ dàng mà không phải đào đường”, ông Hoàng Minh Trí phân tích.
Nói chung, TPHCM cần đặt ra đề bài toàn diện về việc khai thác các quỹ đất xung quanh nhà ga metro nói riêng và cả hệ thống công cộng nói chung. Để qua đó, không chỉ tạo ra nguồn lực lớn cho thành phố, mà còn phát triển đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng hiện đại, văn minh, là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA: Khai thác tốt giá trị thương mại, bất động sản của “tổ hợp” metro |